100.000 tỷ đồng dư nợ lãi suất ưu đãi 3 - 4%/năm sẽ được đưa ra trong thời gian tới

(Banker.vn) "Gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương với 100.000 tỷ đồng dư nợ sẽ được đưa ra để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới. Lãi suất dự kiến trong khoảng từ 3 - 4%/năm."

Tại buổi tọa đàm “Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, tương đương với 100.000 tỷ đồng dư nợ sẽ được đưa ra để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới. Lãi suất dự kiến trong khoảng từ 3 - 4%/năm.

Theo ông Tuấn Anh, đến nay, tổng lợi nhuận các ngân hàng đã chia sẻ để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là trên 26.000 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng dư nợ cho vay mới để hỗ chợ người dân trong sản xuất kinh doanh là 4,46 triệu tỷ đồng trên tổng dư nợ hiện nay là 9,8 triệu tỷ đồng.

"Từ kinh nghiệm trước đây, có lẽ tới đây khi xây dựng cơ chế chính sách, chúng ta sẽ tính toán đến các mục tiêu nhưng mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát", ông Tuấn Anh cho biết.

Trong năm 2010, lạm phát đã lên tới hai con số là khoảng 11,75%. Năm 2011, có thời điểm lên đến 18,6%, dẫn đến hệ luỵ to lớn đối với nền kinh tế. Vì vậy, việc xây dựng chính sách trong thời điểm này nếu không đảm bảo được an toàn vĩ mô thì sẽ không thiết thực, thậm chí gây phản ứng ngược, ảnh hưởng tới kinh tế.

Đánh giá về gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng quy mô này quá nhỏ, không thấm vào đâu để tạo sức bật cho nền kinh tế phục hồi rõ rệt. Do vậy, quy mô cần phải lớn hơn.

Theo ông Nghĩa, có thể dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo hiệu ứng giảm lãi suất chung, chẳng hạn 1%/năm. Cộng với gói kích thích đâu đó khoảng 2 - 3%/năm, tạo nên hiệu ứng giảm lãi suất rõ nét cho các doanh nghiệp.

Về nguồn lực, ông Nghĩa đề nghị Bộ Tài chính có thể tính toán phát hành trái phiếu để vay của người dân hoặc ngân hàng trung ương. Dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương hiện rất lớn, gấp khoảng 4 lần dự trữ ngoại tệ năm 2009.

Ngoài ra, cần một quy chế đặc biệt song hành với gói này thay vì Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, gói hỗ trợ nên được áp dụng đại trà, không phân biệt ngành nghề hay quy mô doanh nghiệp và cách tiếp cận cần đơn giản hơn. Theo đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm doanh thu, lợi nhuận âm, không có tài sản đảm bảo cũng có thể tiếp cận được gói hỗ trợ.

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết doanh nghiệp như "trâu đi cày". Câu chuyện của doanh nghiệp cũng là của ngân hàng. Doanh nghiệp vay tiền để "đi cày" vừa tạo lợi nhuận cho chính doanh nghiệp nhưng cũng để trả lãi cho ngân hàng.

Ông Kỳ cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần có cơ chế nới rộng dòng tiền. “Chính phủ phải coi doanh nghiệp là đối tác, không nên coi là đối tượng. Người quản lý nhà nước hãy chọn cái gì tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân chứ đừng chọn cái gì tốt nhất cho mình”, ông Kỳ chia sẻ.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán