100% địa phương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị về chuyển đổi số
Thông tin về lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện, 100% địa phương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị về chuyển đổi số. 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số.
Phó Thủ tướngTrần Lưu Quang dự Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024 |
Bên cạnh đó, 100% tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với 93.524 Tổ công nghệ số cộng đồng và gần 457.820 thành viên.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại (MOOCS) địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn để phổ cập kỹ năng số cho mọi đối tượng.
Từ 1/1/2023 đến 20/7/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 10 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số miễn phí trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà cho hơn 81.500 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, hỗ trợ 15 bộ, ngành và 49 địa phương sử dụng miễn phí Nền tảng MOOCS đến hết năm 2024.
Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 84 khóa học cho hơn 173.500 cán bộ học viên. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tổ chức 2 khóa học mở miễn phí cho người dân Việt Nam về kỹ năng số cơ bản và kỹ năng an toàn thông tin trên môi trường số trên Nền tảng MOOCS và thực hiện tập huấn kỹ năng số cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Đến nay Nền tảng đã đạt hơn 25 triệu lượt truy cập. Trung bình mỗi ngày tăng 2.000 - 3.000 lượt truy cập.
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 (Quyết định số 934/QĐ-BTTTT ngày 7/6/2024).
Cùng với đó, đã chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ Nghị định về cơ sở dữ liệu dùng chung; tổ chức đánh giá, thẩm định số liệu, tài liệu do các bộ, ngành, địa phương cung cấp để đo lường, đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) của các bộ, ngành và địa phương năm 2023; đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Mặt khác, đã hoàn thành đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Đây là lần đầu tiên, sau khoảng 19 năm làm Dịch vụ công trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với 2 nội dung: Đánh giá trực tuyến, không có sự can thiệp của con người; đánh giá Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử
Ban hành danh mục các nền tảng số do các bộ, ngành triển khai toàn quốc để các địa phương không triển khai trùng lặp; ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương.
Đã tổ chức khảo sát thực tế cách làm hay, điển hình tại một số địa phương; đã ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Quyết định số 1690/QĐ-TTg.
Ngoài ra, đã ban hành Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030; Kế hoạch hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Quyết định số 142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030; văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030; Quyết định số 699/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch hành động năm 2024 triển khai Chiến lược phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Tập trung giải quyết tốt bài toán kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu
Nêu một số khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước mới ban hành, do đó các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương còn lúng túng với các quy định chuyển tiếp của 2 Nghị định.
Việc triển khai các nền tảng số quốc gia do các bộ, ngành ở Trung ương chủ trì còn chậm, cần quyết liệt hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nền tảng số quốc gia.
Đáng chú ý, kết quả đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương cho thấy: Khối bộ, ngành: 5/21 đạt mức C; 1/21 đạt mức D; 15/21 đạt mức E. Ở khối địa phương: 39/63 đạt mức C; 15/63 đạt mức D; 9/63 đạt mức E.
"Kết quả này phản ánh chất lượng các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính có nhiều hạn chế, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, nâng cấp, phát triển để cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả" - Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.
Điều đó, dẫn đến nguy cơ chất lượng kỹ thuật của các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thấp sẽ khiến người dân, doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận, khai thác dịch vụ; công chức, viên chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính khó khăn trong thực hiện công việc; cơ quan quản lý khó khăn trong theo dõi, giám sát để điều hành; việc này còn khiến cho việc liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu, giải quyết các thủ tục hành chính liên thông gặp nhiều khó khăn…
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng các văn bản Hướng dẫn chi tiết các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương triển khai, áp dụng Nghị định số 82/2024/NĐ-CP; tập trung giải quyết tốt bài toán kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu. Đặc biệt, là kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Nền tảng VNeID trong các thủ tục hành chính liên quan đến người dân.
Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực, giải quyết dứt điểm việc thống nhất tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về một đầu mối duy nhất là hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành. Không để tình trạng phân mảnh hệ thống tại các Cục, Tổng Cục, đơn vị trực thuộc.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nền tảng số quy mô quốc gia theo trách nhiệm được giao tại kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa qua, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã khai thác rất hiệu quả qua Đề án 06. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ quản 9 Cơ sở dữ liệu quốc gia còn lại (đã ban hành tại Nghị định 47/2024/NĐ-CP bao gồm các Cơ sở dữ liệu quốc gia về: Đất đai; đăng ký doanh nghiệp; tài chính; bảo hiểm; cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước; thủ tục hành chính; tổng hợp quốc gia; hoạt động xây dựng; xuất nhập cảnh), mỗi Cơ sở dữ liệu quốc gia triển khai một đề án tương tự Đề án 06 để khai thác hiệu quả dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Ngoài ra, triển khai những hình thức mới để bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ công chức viên chức, người lao động thông qua các nền tảng số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, đó là xây dựng và triển khai “Chương trình hành động quốc gia về phát triển và chuyển đổi sang sử dụng nền tảng điện toán đám mây”; tổ chức các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số năm 2025. Tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu trong các chương trình, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021; Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022… |