10 năm ngẫm chuyện “quốc sách và ngân sách”

(Banker.vn) "Quốc sách và ngân sách" là tên bài báo tôi viết 10 năm trước nhân kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013 bàn về giáo dục.
Giáo dục và đào tạo: Quốc sách hàng đầu Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu

Tròn 10 năm trước, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII đã họp đúng vào dịp Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết nêu rõ: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

10 năm ngẫm chuyện “quốc sách và ngân sách”
Sự ưu tiên cho đội ngũ nhà giáo vẫn còn bất cập, còn chậm trễ và dang dở

Trước đó gần 10 năm, vào kỳ họp cuối năm 2004, Quốc hội đã thông qua một nghị quyết lịch sử về giáo dục, có ghi: “Đầu tư ngân sách cho giáo dục - đào tạo bảo đảm đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách Nhà nước”. Với con số này, Việt Nam trở thành một trong số ít nước trên thế giới có tỷ lệ đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhiều nhất.

Năm 2013, trong một cuộc giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết thêm: Hiện Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đầu tư cho giáo dục với tỷ lệ cao 20% ngân sách Nhà nước.

10 năm ngẫm chuyện “quốc sách và ngân sách”
Cùng với các chính sách cho giáo dục thì việc hỗ trợ cho học sinh nghèo hiếu học ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng là động lực lớn cho thầy và trò yên tâm giảng dạy, học tập. Ảnh: Cấn Dũng

Ngược dòng thời gian, thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra thông điệp: “Trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình”. Thế nhưng đề án đó không thành công, thay vào đó là đề xuất khôi phục phụ cấp thâm niên cho nhà giáo mà mãi đến tháng 7/2011 mới được thực hiện. Ngay sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc đến nhóm việc nóng, cấp bách cần làm ngay: “Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện”. Thế nhưng cho đến nay, chuyện đồng lương nhà giáo vẫn còn nhiều điều chưa như mong muốn của chính nhiều thế hệ lãnh đạo ngành giáo dục.

10 năm ngẫm chuyện “quốc sách và ngân sách”
Những học bổng thiết thực và ý nghĩa được trao tới các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Cấn Dũng

Nhìn xa hơn nữa, Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) năm 1996 đã khẳng định: “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Thế nhưng, Luật Giáo dục 1998 lại chỉ xác định lương giáo viên thuộc “một trong những thang, bậc lương cao nhất”. Đến Luật Giáo dục 2005 thì chỉ quy định: “Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”. Còn trên thực tế, trong Bảng lương đính kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy, cùng được đào tạo ở bậc đại học nhưng ngạch lương giáo viên cấp cao chỉ bằng ngạch chuyên viên chính của các nghề lưu trữ, chẩn đoán bệnh động vật, bảo vệ thực vật, giám định thuốc thú y, kiểm nghiệm giống cây trồng v.v… Phải đến Nghị quyết 29 năm 2013, quan điểm của Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII mới được tái khẳng định Nghị quyết 29 đã yêu cầu, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Thế nhưng 10 năm trôi qua, câu chuyện ấy vẫn chưa trở thành hiện thực. Luật Giáo dục năm 2019 vẫn chỉ qui định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.

Theo báo chí, từ ngày 1/7/2023, lương giáo viên dao động theo hạng, bậc quy định, thấp nhất là 3,7 triệu đồng và cao nhất là hơn 12 triệu đồng, chưa tính phụ cấp, tăng từ 0,6 - 2,1 triệu đồng mỗi tháng.

Những con số này tuy đã là tin vui những vẫn vô cùng thấp so với các nước Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, thu nhập của giáo viên đều hơn 40.000USD/năm. Tại Trung Quốc, nước láng giềng Việt Nam giáo viên cũng có thu nhập gần 20.000 USD/năm.

10 năm ngẫm chuyện “quốc sách và ngân sách”

Đoàn Công tác Báo Công Thương thăm và tặng quà cho các học sinh vượt khó tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Cấn Dũng

Tháng 4 vừa qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ về vấn đề giáo dục. Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy: Về kinh phí thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Luật Giáo dục quy định: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”, nhưng hiện nay việc bố trí ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo chưa bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính báo cáo làm rõ sự chênh lệch số liệu nêu trên và đánh giá về tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2014-2022, kể cả tỷ lệ chi cho giáo dục và đào tạo từ nguồn vượt thu hàng năm.

Một báo cáo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi Quốc hội về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 cũng cho thấy, ngân sách cho giáo dục phần lớn dùng để chi lương, cả nước chỉ có khoảng 50% địa phương bảo đảm tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu. Dự toán chi thường xuyên ngành giáo dục năm 2022 là 275.709 tỉ đồng, chiếm hơn 15% tổng chi ngân sách nhà nước.

10 năm ngẫm chuyện “quốc sách và ngân sách”
Thêm những niềm vui cho học sinh để nâng bước các em đến trường. Ảnh Cấn Dũng

Có nhiều địa phương không bảo đảm tỷ lệ chi chuyên môn tối thiểu, trong đó có những địa phương dưới 15% trong tổng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo.

Một tin vui với những người làm trong ngành giáo dục là tại phiên chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: “Thời gian tới, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo rà soát các quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất".

10 năm, 20 năm đã qua đi… song một số quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về sự ưu tiên cho đội ngũ nhà giáo vẫn còn bất cập, còn chậm trễ và dang dở. Điều đó cho thấy nếu xét cho cùng giáo dục vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chưa được ưu tiên nhất trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chưa được coi là nhân tố quyết định của phát triển đất nước. Giáo dục là quốc sách song để quốc sách giúp chấn hưng đất nước cần phải có ngân sách tương xứng, trước hết là ngân sách đầu tư cho những người đang vượt khó vì sự nghiệp trồng người.

Nguyễn Văn Minh

Theo: Báo Công Thương