Viglacera Hạ Long tiếp tục báo lỗ trong quý đầu năm

(Banker.vn) Công ty CP Viglacera Hạ Long (mã CK: VHL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với kết quả không mấy khả quan khi báo lỗ ròng hơn 14,6 tỷ đồng.
Thanh tra cổ phần hoá Viglacera: Đề nghị truy thu hơn 44 tỷ vào ngân sách DIC Corp: Hút "ròng" 1.000 tỷ đồng trái phiếu, lợi nhuận "bốc hơi" 54 tỷ đồng sau kiểm toán Sau trào lưu “bùng nợ”, FE Credit báo lỗ kỷ lục

Lỗ 5 quý liên tiếp

Theo báo cáo tài chính quý I/2024 của doanh nghiệp này, trong kỳ, Viglacera Hạ Long ghi nhận doanh thu giảm 14% so với cùng kỳ xuống còn hơn 241 tỷ đồng. Trong đó, giá vốn hàng bán giảm 16% xuống mức 215,6 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp của Viglacera Hạ Long tăng 7% lên mức 25,4 tỷ đồng.

Viglacera Hạ Long  báo lỗ trong 5 kỳ liên tiếp. Viglacera
Viglacera Hạ Long báo lỗ trong 5 kỳ liên tiếp.

Trong kỳ chi phí tài chính của Viglacera Hạ Long giảm 53,4% xuống mức 1,7 tỷ đồng, chi phí bán hàng của doanh nghiệp tăng nhẹ 4,3% lên mức 10 tỷ đồng, cùng với phần lỗ trong công ty liên kết hơn 5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 6,4 tỷ đồng) đã khiến Viglacera Hạ Long lỗ thuần trong hoạt động kinh doanh hơn 13 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2024, Viglacera Hạ Long lỗ ròng 13,5 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ. Trước đó, năm 2023, doanh nghiệp này báo lỗ ròng 69,4 tỷ đồng (năm 2022, Viglacera Hạ Long có lãi gần 170 triệu đồng). Được biết năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 1.988 tỷ đồng và 6 tỷ đồng.

Trong bản giải trình gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), lãnh đạo công ty cho biết, nguyên nhân công ty tiếp tục lỗ trong quý I/2024 là do nhu cầu tiêu thụ vật liệu chưa cao nên dẫn đến doanh thu giảm.

Theo thuyết minh báo cáo lưu chuyển tiền trong kỳ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Viglacera Hạ Long âm 18,1 tỷ đồng. Trong khi đó, lưu chuyển thuần từ hoạt động đầu tư dương 146 triệu đồng và lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính dương 4,5 tỷ đồng. Do đó, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của doanh nghiệp âm 13,4 tỷ đồng. Tại ngày 31/3, tiền và tương đương tiền cuối kỳ của doanh nghiệp này là 25,5 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Viglacera Hạ Long ở mức 802,5 tỷ đồng, giảm 4,2% (tương đương giảm 35 tỷ đồng) so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 34,5% xuống mức 45,6 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 4% xuống mức 352,7 tỷ đồng,..

Về nguồn vốn, cuối quý I/2024, nợ phải trả của doanh nghiệp đang ở mức 278,7 tỷ đồng, giảm 6,7%. Đáng chú ý, vốn sở hữu của Viglacera Hạ Long giảm 2,7% so với hồi đầu năm, xuống mức 523,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo

Với mức lỗ sau thuế 69,4 tỷ đồng trong năm 2023, ngày 23/3/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành Quyết định số 86/QĐ-SGDHN về việc đưa mã cổ phiếu VHL của Công ty CP Viglacera Hạ Long vào diện cảnh báo. Đồng thời, thông báo đưa mã cổ phiếu VHL vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/2/2024.

Biến động giá của mã cổ phiếu VHL từ đầu năm đến nay.Viglacera
Biến động giá của mã cổ phiếu VHL từ đầu năm đến nay.

Đến ngày 29/2/2024, Công ty CP Viglacera Hạ Long có Văn bản số 35/TB-VHL gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục về mã cổ phiếu VHL vào diện cảnh báo.

Theo đó, năm 2023 nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, toàn diện hơn, gia tăng căng thẳng địa chính trị. Đòng thời, trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa hồi phục, các công trình dân dụng khởi công rất ít, tác động lớn đến khu vực sản xuất vật liệu xây dựng, kéo theo sụt giảm về quy mô sản xuất, giá bán và sản lượng tiêu thụ đang ở vùng thấp kể từ năm 2020 đến nay.

Bên cạnh đó, mặc dù giá nguyên vật liệu đầu vào đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao, điều này ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty.

Về phương án khắc phục, Công ty CP Viglacera Hạ Long đã và đang áp dụng một số giải pháp như kiểm soát chặt chẽ kết quả thực hiện so với chỉ tiêu kế hoạch, đặc biệt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận từng tháng.

Đồng thời, kiểm soát các chi phí sản xuất kinh doanh theo kế hoạch; các yếu tố ảnh hưởng khó kiểm soát như thị trường và giá bán thành phẩm; giá các yếu tố nhiên liệu đầu vào; tập trung mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để tăng doanh thu, giảm lượng hàng hóa tồn kho,...

Về thị giá cổ phiếu, kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 23/4, mã cổ phiếu VHL ngang giá với phiên giao dịch trước đó với mức 11.200 đồng/cp và gần như không có giao dịch. Kể từ khi bị đưa vào diện cảnh báo (28/2), mã cổ phiếu VHL đã giảm tới 2.600 đồng/cp so với mức giá 13.800 đồng/cp ngày 28/2, tương đương giảm 18,8%.

Công ty CP Viglacera Hạ Long có tiền thân là Nhà máy gạch Ba Lan được thành lập năm 1978, là đơn vị thành viên của Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng Viglacera. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực sản xuất, khai thác và kinh doanh các chủng loại vật liệu xây dựng. Mã cổ phiếu VHL của doanh nghiệp được niêm yết trên sàn HNX từ ngày 25/11/2008.

Ngân Nga

Theo: Báo Công Thương