Vietcombank thông báo chốt danh sách tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2023

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã VCB) thông báo tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023 vào ngày 30/1/2023 tại tòa nhà Vietcombank Tower, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Thời gian chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường là ngày 30/12/2022.

Nội dung dự kiến họp bao gồm thông qua tờ trình về việc bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2013, tờ trình về việc kéo dài thời gian thực hiện phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu của Vietcombank và tờ trình nội dung khác (nếu có).

Vietcombank thông báo chốt danh sách tham dự ĐHĐCĐ bất thường năm 2023
Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất.

Trước đó, ngân hàng đã ra quyết định miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT Vietcombank đối với ông Phạm Anh Tuấn có hiệu lực từ ngày 1/12. Lý do miễn nhiệm là được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN.

Về kế hoạch tăng vốn, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ngân hàng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 nhưng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt gần 24.940 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.

9 tháng đầu năm nay, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 49.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 22%, đạt 38.437 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 43%, đạt 4.581 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác giảm lần lượt 10% và 4% so với 9 tháng đầu năm 2021. Mảng chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ 119 tỷ đồng. Riêng trong quý III, chỉ tiêu này lỗ 154 tỷ đồng.

Trong quý III, chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank tăng thêm 11% so với cùng kỳ, lên 2.778 tỷ đồng. Tuy nhiên ngân hàng cắt giảm hơn 15% chi phí này trong quý II nên con số lũy kế 9 tháng vẫn giảm 3%.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản Vietcombank đạt gần 1,65 triệu tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 17,6%.

Tiền gửi khách hàng tăng 5,4% trong 9 tháng lên gần 1,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi vốn chuyên dùng và tiền gửi ký quỹ đạt 417.800 tỷ đồng, tăng hơn 12.700 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ CASA giảm xuống 34,9%, từ mức 35,7% hồi đầu năm.

Ngân hàng tiếp tục nhận nguồn vốn giá rẻ với quy mô lớn trong quý III. Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại đây lên tới 86.244 tỷ đồng vào cuối tháng 9, gấp 11 lần con số 7.694 tỷ đồng cuối năm 2021.

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng của Vietcombank lại đi xuống. Nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 9 là 9.003 tỷ đồng, tăng 47% so với cuối năm 2021. Trong bối cảnh tổng dư nợ cho vay khách hàng tại đây cũng tăng 17,6% nên tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng lên 0,8%, từ mức 0,64% và vẫn giúp đơn vị này có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp toàn ngành.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank giảm từ mức kỷ lục 506% hồi cuối quý II xuống 402%. Dù vậy, ngân hàng này vẫn có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất, tương ứng mỗi đồng nợ xấu nội bảng được trích lập hơn 4 đồng dự phòng.

Đức Chiến

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán