Vì sao hơn 300 tấn vàng của thế giới đột nhiên chảy vào "túi" người Trung Quốc?

(Banker.vn) Trong quý I năm 2024, người tiêu dùng ở Trung Quốc đã mua 308,9 tấn vàng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá vàng thế giới biến động thế nào trước sức nóng Trung Quốc mua vàng? Nhân tố nào khiến giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh những ngày qua?

Trung Quốc đẩy mạnh tích trữ vàng dạng miếng, đồng xu

Theo dữ liệu do Hiệp hội Vàng Trung Quốc công bố mới đây, người tiêu dùng ở Trung Quốc đã mua 308,9 tấn vàng (10,9 triệu ounce) trong quý I của năm 2024, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Lượng mua vàng miếng và đồng xu vàng ở Trung Quốc lên 106,3 tấn, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một dấu hiệu rõ ràng về gia tăng mạnh mẽ trong nhu cầu đầu tư và sự quan tâm đến việc sử dụng vàng như một phương tiện phòng ngừa rủi ro.

Trung Quốc đang hạn chế mua vàng trang sức và chuyển sang việc đầu tư, tích trữ vàng dưới dạng miếng, đồng xu. Khi doanh số bán vàng trang sức xuống còn 183,9 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác và sản xuất vàng khi trong 3 tháng đầu năm, sản lượng vàng lên gần 139,2 tấn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong đó có 53,2 tấn được sản xuất bằng quặng, nguyên liệu nhập khẩu cho thấy một mức độ phụ thuộc khá lớn vào các nhà cung cấp từ nước ngoài.

Chen Zhiwu, Giáo sư Tài chính tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đã đưa ra nhận định quan trọng về tình hình tiêu dùng và đầu tư vàng của các hộ gia đình Trung Quốc, cũng như việc dự trữ vàng từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Ông dự đoán rằng, các hộ gia đình Trung Quốc sẽ mua nhiều vàng hơn trong tương lai, đồng thời PBOC cũng tiếp tục tích trữ vàng để chuẩn bị ứng phó với những bất ổn địa chính trị trong tương lai.

Hơn 300 tấn vàng của thế giới đi về đâu trong quý I năm 2024?
Trong khi nhu cầu mua vàng miếng, vàng đồng xu tại Trung Quốc tăng thì sức mua vàng trang sức lại giảm. (Ảnh: GettyImages)

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã mua 160.000 ounce vàng thỏi trong tháng 3, đánh dấu lần mua hàng tháng thứ 17 liên tiếp và nâng tổng dự trữ lên 2.262 tấn (72,74 triệu ounce), nhằm đa dạng hóa dự trữ quốc gia.

Các hoạt động mua vàng liên tục của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thu hút sự chú ý và đánh giá từ các nhà phân tích và giới đầu tư trên toàn cầu.

Bằng cách đa dạng hóa dự trữ bằng vàng, Trung Quốc sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào các loại tài sản khác và tăng cường sự ổn định trong dài hạn. Điều này cũng tạo ra sự tin tưởng từ phía các nhà đầu tư, tăng cường vị thế của đồng nhân dân tệ Trung Quốc trên thị trường quốc tế.

Trung Quốc trở thành nước tiêu thụ và sản xuất vàng hàng đầu thế giới

Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tính đến hết năm 2023, Trung Quốc là nước mua vàng lớn nhất. Chỉ riêng Ngân hàng Trung ương nước này đã mua 225 tấn vàng.

Đồng thời, Trung Quốc vượt qua Ấn Độ để trở thành nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới vào năm 2023 với nhu cầu về đồ trang sức của Bắc Kinh tăng 10% và đầu tư tăng 28%. Công bố Xu hướng nhu cầu vàng cho năm 2023 và quý 4 năm 2023, WGC đánh giá Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính.

Trung Quốc không chỉ trở thành một trong những quốc gia mua vàng lớn nhất thế giới mà còn đã trở thành nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới. Mỗi năm, đất nước với dân số hàng tỷ người này đã khai thác ít nhất 300 tấn vàng, và đã duy trì mức sản xuất này trong hơn mười năm qua.

Số lượng vàng người dân Trung Quốc thu được nhờ hoạt động khai thác trong năm 2023 lên đến 370 tấn, cao hơn nhiều so với con số 310 tấn của Australia, 310 tấn của Nga, 200 tấn của Canada và 170 tấn của Mỹ.

Có thể thấy, bằng nhiều cách khác nhau, vàng đang có xu hướng “chảy” về Trung Quốc. Sự tăng trưởng đáng kể trong sản xuất vàng của Trung Quốc đã thể hiện sức mạnh kinh tế và công nghiệp của quốc gia này.

Đồng thời, với vị trí nhà sản xuất vàng quan trọng, Trung Quốc cung cấp một lượng lớn vàng vào thị trường thế giới. Vì vậy, bất kỳ thay đổi nào trong sản xuất vàng của Trung Quốc cũng có thể có tác động lớn đến giá vàng trên thị trường toàn cầu.

Trung Quốc nỗ lực đảm bảo sự ổn định và an toàn tài chính bằng việc đa dạng hóa nguồn cung và tăng cường dự trữ vàng. Đây là một phần chiến lược toàn diện hơn của Trung Quốc trong việc định hình lại vai trò và tầm ảnh hưởng quốc gia này trong hệ thống tài chính, kinh tế quốc tế.

Việc người dân Trung Quốc "đổ xô" đi vào vàng cũng phù hợp với báo cáo gần đây của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, trong tháng 1/2023, dự trữ vàng tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tăng 10 tấn. Đây là tháng bổ sung vàng thứ 15 liên tiếp của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tổng lượng vàng nắm giữ hiện tại của Trung Quốc ở mức 2.245 tấn, cao hơn gần 300 tấn so thời điểm cuối tháng 10/2022 khi ngân hàng này báo cáo tiếp tục hoạt động tích trữ vàng.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, trong một ấn phẩm công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã giải thích việc các ngân hàng trung ương giảm USD trong dự trữ ngoại hối và thay thế bằng vàng. Cụ thể, trong tháng 1/2024, các ngân hàng Trung ương đã tăng dự trữ vàng chính thức toàn cầu thêm 39 tấn. Con số này cao hơn gấp đôi số lượng mua ròng trong tháng 12/2023 là 17 tấn và đây cũng là tháng mua ròng thứ 8 liên tiếp của các ngân hàng Trung ương trên thế giới.

Linh Chi

Theo: Báo Công Thương