Trong báo cáo, ông Trương Gia Bình, cho biết, hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cả ở khâu quy định cơ chế, chính sách và khung pháp luật lẫn thực thi trên nhiều lĩnh vực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch COVID-19, Chính phủ đã rất nỗ lực đánh giá, cắt giảm nhiều loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các địa phương hoặc một số cơ quan quản lý nhà nước ngành dọc vẫn duy trì hoặc ban hành phí mới. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý thủ tục hành chính còn thiếu sự phối hợp, đồng bộ của các bên liên quan, không nhất quán với chủ trương “khoan sức dân”, hỗ trợ doanh nghiệp như Thủ tướng và Chính phủ đã nêu, làm doanh nghiệp bức xúc và phần nào bị ảnh hưởng niềm tin với các cơ quan nhà nước.
Mặc dù Chính phủ có chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư cả từ khu vực FDI và tư nhân trong bối cảnh phát triển mới, tuy nhiên quá trình thực hiện tại các địa phương lại rất không nhất quán, một phần do các quy định lĩnh vực này còn nhiều chồng chéo, bất cập, thiếu rõ ràng khiến việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, còn hiện tượng áp đặt ý chí chủ quan, cá nhân trong tương tác giữa chính quyền với doanh nghiệp nên quy trình đầu tư bị tốn kém và kéo rất dài.
Dẫn chứng về bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành, báo cáo cho biết, qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, các vấn đề bất cập hiện đang nằm cả ở khâu quy định lẫn thực thi như còn có sự chồng chéo hoặc thiếu hụt các hướng dẫn rõ ràng dẫn tới quá trình áp dụng trong thực tiễn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và các bên liên quan. Ngoài ra, cũng vẫn còn những hiện tượng có yếu tố “lạm dụng quy định để gây khó” hoặc sự cứng nhắc trong quá trình xử lý thủ tục hành chính, đẩy rủi ro cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin là tiến bộ trước đây của ngành hải quan, nhưng giờ phát sinh rất nhiều hệ thống phải xử lý cùng lúc, lại thiếu đồng bộ và thiếu kết nối, đồng thời còn thiếu quy trình dự phòng để xử lý công việc giữa hải quan và các cơ quan chuyên ngành; hoặc giữa các bộ phận của hải quan với nhau khi các hệ thống điện tử bị trục trặc nên doanh nghiệp phải gánh rất nhiều áp lực.
Tham vấn để giải quyết vấn đề trên, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho rằng cơ quan hải quan cần phối hợp với các cơ quan liên quan đặt ra các quy trình xử lý dự phòng khi các hệ thống trục trặc; đồng thời rà soát để đảm bảo tính pháp lý cho các hình thức văn bản không phải bản giấy có đóng dấu, hoặc không phản ánh trên Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia NSW (ví dụ hình thức gửi kết quả qua email công vụ giữa các bên, hình thức doanh nghiệp in bản kết quả điện tử ra mà không cần đi xin dấu...).
Công tác cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước các cấp, đồng thời đòi hỏi cả sự bền bỉ kiên trì không ngừng cùng những quyết sách có tính đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chính vì thế, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng rằng, Thủ tướng Chính phủ sẽ có những chỉ đạo xác đáng đúng như tinh thần ủng hộ đổi mới, cải cách mạnh mẽ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đã thể hiện rất rõ trong cả nhiệm kỳ vừa qua.
Minh Hoàng
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|