Tồn kho cà phê Arabica xuống mức thấp nhất 24 năm, xuất khẩu cà phê chế biến tăng mạnh

(Banker.vn) Lượng cà phê chế biến xuất khẩu tăng mạnh, cộng với tồn kho cà phê Arabica giảm sâu là động lực tăng giá cà phê.
Cà phê Việt và cơ hội quảng bá, gia tăng xuất khẩu Giá cà phê Arabica tăng phi mã, xuất khẩu cà phê Việt Nam được lợi

Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), chốt ngày giao dịch đầu tuần (6/11), thị trường cà phê tiếp tục là điểm sáng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Giá Arabica nối dài đà tăng sang ngày thứ ba liên tiếp, đóng cửa giá cao hơn tham chiếu 1,64%. Giá Robusta cũng tăng mạnh hơn 2% trong phiên hôm qua. Tồn kho cà phê trên Sở Giao dịch liên lục địa (ICE) giảm sâu khiến lo ngại về khả năng đảm bảo đủ nguồn cung trên thị trường gia tăng, từ đó tiếp tục hỗ trợ giá đi lên.

Tồn kho cà phê Arabica xuống mức thấp nhất 24 năm, xuất khẩu cà phê chế biến tăng mạnh
Cả hai loại cà phê Arabica và Robusta đều tăng giá

Trong báo cáo kết ngày 6/11, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã giảm thêm 12.454 bao loại 60kg, đưa tổng lượng cà phê lưu trữ về 347.555 bao. Đây là mức tồn kho thấp nhất từng ghi nhận trong hơn 24 năm.

Hơn nữa, đồng Real nội địa của Brazil mạnh lên trong phiên hôm qua, kéo theo tỷ giá USD/BRL giảm 0,32%. Chênh lệch tỷ giá đi xuống đã phần nào hạn chế lực bán của nông dân Brazil. Điều này cũng đẩy lực tăng giá cà phê.

Hiện Việt Nam xuất khẩu cà phê đến hơn 80 quốc gia. Trong đó EU là thị trường tiêu thụ lớn, chiếm 38,3% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả nước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong quý 3/2023 xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các khu vực thị trường giảm so với quý trước, song tốc độ xuất khẩu sang khu vực châu Á và châu Âu giảm thấp hơn. So với quý 3/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các khu vực giảm, ngoại trừ châu Á và châu Phi.

Xét theo từng thị trường, quý 3/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường giảm, ngoại trừ Thái Lan tăng nhẹ so với quý 2/2023. So với quý 3/2022, xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường giảm, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Tây Ban Nha, Philippin, Trung Quốc, Anh… tăng.

Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, trong quý 3/2023, xuất khẩu cà phê Robusta, Arabica và Excelsa giảm lần lượt 45,5%, 69,2% và 66,7%, trong khi xuất khẩu cà phê chế biến tăng 11,4% so với quý 2/2023. So với quý 3/2022, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê giảm, nhưng cà phê chế biến tăng trưởng lên đến 33,9%.

Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực đẩy mạnh chế biến cà phê để nâng cao giá trị xuất khẩu. Đơn cử, Công ty CP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên (sở hữu chuỗi Highlands Coffee) khởi công xây dựng dự án Nhà máy rang cà phê Cao Nguyên, vốn đầu tư tới 500 tỉ đồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế với tham vọng đưa cà phê rang xay Việt Nam lên bản đồ thế giới. Nhà máy có công suất đạt gần 10.000 tấn cà phê/năm giai đoạn đầu và có thể tăng lên 75.000 tấn/năm giai đoạn tiếp theo.

Phượng Nguyễn
Dây chuyền của Nhà máy chế biến cà phê Sơn La (Ảnh: Phượng Nguyễn)

Nhà máy chế biến cà phê lớn nhất Tây Bắc vừa được chính thức đi vào hoạt động tại tỉnh Sơn La do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Chế biến cà phê Sơn La. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho khâu chế biến – vốn là điểm yếu nhất của chuỗi cung ứng nông sản nói chung và cà phê nói riêng không chỉ vùng Tây Bắc mà cả nước nói chung.

Thông tin từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong tháng 9, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm thị phần khoảng 70,5% tổng khối lượng xuất khẩu và chiếm khoảng 69% về giá trị kim ngạch cà phê nhân sống. Đối với cà phê rang xay, hòa tan, các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần khoảng 58,3% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê và chiếm khoảng 64,4% về kim ngạch. Hiện các tập đoàn cà phê lớn nhất thế giới đã có mặt tại Việt Nam - vùng nguyên liệu Robusta lớn nhất thế giới.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương