Thị trường mua bán nợ xấu: Còn sơ khai, vướng pháp lý

(Banker.vn) Sàn giao dịch nợ Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng tuy đã ra đời được hơn 1 năm, nhưng đến nay, hoạt động mua bán nợ xấu diễn ra kém sôi động.
Sắp có công ty mua bán nợ xấu Hướng tới mua bán nợ xấu theo giá thị trường Mua bán nợ xấu “tắc” bởi cơ chế

Khung pháp lý thiếu và yếu

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đang nỗ lực xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu phình to, nhưng tốc độ thu hồi nợ và tài sản đảm bảo diễn biến chậm. Khảo sát trên các website của một số ngân hàng cho thấy, nhiều khoản nợ và tài sản đảm bảo đang được các ngân hàng rao bán đấu giá không chỉ một lần mà nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm được “chủ mới”. Hơn nữa, các tài sản thanh lý không chỉ là bất động sản, các khoản vay tiêu dùng mà còn nhiều loại tài sản của doanh nghiệp, người đi vay.

Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, đấu giá khoản nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Tài sản thế chấp được đem ra đấu giá thu hồi khoản nợ đa dạng như: Đất đai, nhà cửa, phương tiện vân tài, máy móc, thậm chí cả quần áo cũ, vườn cây… Tuy nhiên, vào thời điểm này, kinh tế khó khăn nên khó tìm được nhà đầu tư.

Ngoài lý do khó khăn chung của nền kinh, một trong những lý do chính khiến hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chậm là thị trường mua bán nợ chưa hoạt động hiệu quả.

Sau một năm ra mắt, sàn giao dịch nợ xấu Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) vẫn hoạt động khá ì ạch. Mặc dù các ngân hàng bước đầu đã rao bán nợ trên sàn, song tổng giá trị thu hồi nợ thành công còn rất khiêm tốn (khoảng 770 tỷ đồng). Trong khi đó, website để ngân hàng đăng thông tin bán tài sản đảm bảo nợ xấu cũng chưa được hoàn thiện. Hiện nay, trên sàn giao dịch nợ VAMC, có hơn 16 tổ chức tín dụng chào bán, với tổng giá trị nợ và tài sản đảm bảo khoảng 32.000 tỷ đồng.

Chia sẻ về việc phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng, thị trường mua bán nợ Việt Nam về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Đó là khung pháp lý cho hoạt động thị trường mua bán nợ chưa thống nhất, bất cập, thiếu và yếu. Thị trường chưa thu hút được đa dạng thể tham gia, dẫn đến số lượng chủ thể còn ít. Hàng hóa trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng. Quy mô thị trường mua bán nợ còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Kỹ thuật, phương pháp định giá khoản nợ còn thiếu tính thị trường. Hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn tới được dự báo diễn biến khó lường, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị và xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng vay, dẫn tới nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Thị trường mua bán nợ xấu: Còn sơ khai, vướng pháp lý
Thị trường mua bán nợ xấu: Còn sơ khai, vướng pháp lý

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC thì cho rằng, quy mô của thị trường mua bán nợ Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… vẫn còn khiêm tốn, quá trình hoạt động đã bộc lộ không ít tồn tại, thách thức về khuôn khổ pháp lý cũng như công tác quản lý, giám sát và vận hành thị trường mua bán nợ; các đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ còn ít; hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng và mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số các khoản nợ xấu cần xử lý.

Phát triển thị trường thứ cấp

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 18/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ mục tiêu đưa nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3% vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần có quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao, áp dụng nhiều hình thức và biện pháp hiệu quả.

Nghiên cứu từ một số nước thị trường mua bán nợ thành công như Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực cho rằng, một trong những yếu tố giúp cho thị trường mua bán nợ các nước trên phát triển là nhờ khuôn khổ pháp luật chặt chẽ, chi tiết cho hoạt động mua bán nợ; quy định tiêu chuẩn về việc định giá nợ và tài sản đảm bảo. Các loại hàng hoá trên thị trường đa dạng, trong đó khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường. Nhưng điều kiện quan trọng nữa là phát triển thị trường thứ cấp.

Để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là Nghị định về thị trường mua bán nợ. Trong đó, bổ sung các chủ thể tham gia thị trường gồm nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước; mở rộng phương thức mua bán nợ trong đó cho phép chứng khoán hoá. Đặc biệt, sớm luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 và nhu cầu thời gian tới.

Liên quan đến cải cách khung pháp lý, luật sư Andrew Godwin, Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, cải cách khung pháp lý có thể đạt hiệu quả cao nhất khi tất cả các vấn đề pháp lý và cấu trúc có liên quan để được xem xét một cách toàn diện. Ngoài ra, cần xem xét đến cả thiết kế của khung pháp lý, không chỉ xem xét mình nội dung của luật. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch khả thi để thực hiện quá trình cải cách và thực hiện cải cách.

Từ phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị hoạt động hiệu quả, thực hiện được đầy đủ chức năng nhiệm vụ, sứ mệnh được giao, từng bước tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung trong tương lai”.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương