Thép SMC (SMC) muốn khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo/kiểm soát nhờ bán tài sản

(Banker.vn) Thép SMC (SMC) cho rằng, sau 2 quý năm 2024, doanh nghiệp sẽ khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo/kiểm soát bằng cách tăng cường việc thanh lý các tài sản không hiệu quả và tối ưu hóa lại quy trình sản xuất kinh doanh.

Mới đây, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) vừa công bố công văn giải trình và đề xuất biện pháp, lộ trình để khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và kiểm soát.

Trước đó, vào ngày 8/4, Thép SMC đã nhận được quyết định từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo về việc đưa cổ phiếu SMC vào diện bị cảnh báo và kiểm soát từ ngày 10/4. Lý do cho quyết định này là do công ty đã ghi nhận lỗ lũy kế trên Báo cáo kiểm toán năm 2023 và liên tục mất lợi nhuận trong 2 năm liên tiếp.

Thép SMC (SMC) muốn khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo/kiểm soát nhờ bán tài sản
Cổ phiếu SMC đang tăng 3,35% sau phiên sáng ngày 09/04/2024

Lãnh đạo của SMC đã nhấn mạnh rằng trong giai đoạn 2022-2023, nền kinh tế đã trải qua sự suy yếu, giá cả nguyên vật liệu biến động phức tạp, thị trường bất động sản đóng băng và các ngành công nghiệp sử dụng thép đã giảm sút đáng kể về nhu cầu tiêu thụ thép. Ngoài ra, giá bán giảm và chi phí tài chính tăng cao (bao gồm cả lãi vay và sự biến động mạnh của tỷ giá) cùng việc trích lập dự phòng lớn đều gây ra tác động tiêu cực đối với hiệu quả kinh doanh của công ty.

Nói thêm về lộ trình khắc phục, đại diện SMC cho hay "Thực hiện chuyển nhượng, thanh lý các tài sản, các khoản đầu tư tài chính để mang lại hiệu quả cho hoạt động chung"

Thêm vào đó, công ty sẽ tiến hành tối ưu hóa quá trình sản xuất nhằm giảm thiểu lãng phí trong các hoạt động, quản lý hàng tồn kho dựa trên biến động của thị trường, cũng như tăng cường kiểm soát đối với các khoản phải thu và rủi ro liên quan đến công nợ. Do đó, lãnh đạo doanh nghiệp dự định rằng kết quả kinh doanh của quý I sẽ được cải thiện với lợi nhuận sau thuế chủ yếu đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính và tài sản.

Kế hoạch cho quý II sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, và công ty sẽ áp dụng các biện pháp điều hành và vận hành hiệu quả. Công ty tin tưởng rằng trong 6 tháng đầu năm, tình trạng cảnh báo và kiểm soát về cổ phiếu sẽ được giải quyết.

Theo kế hoạch kinh doanh mới được công bố gần đây cho năm 2024, SMC đã đặt mục tiêu doanh thu là 13.500 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 80 tỷ đồng, đối lập hoàn toàn với số lỗ 925 tỷ đồng của năm trước.

Chỉ tiêu về tổng sản lượng thép tiêu thụ của Thép SMC trong năm nay là 900.000 tấn, giảm nhẹ 1% so với năm trước. Trong đó, sản lượng thép dài dự kiến là 350.000 tấn (tăng 10% so với cùng kỳ) trong khi sản lượng thép dẹt là 550.000 tấn (giảm 7%).

Doanh nghiệp đánh giá rằng năm 2024 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khi thị trường bất động sản vẫn chưa thể phục hồi tích cực và các vấn đề về tín dụng vẫn đang tạo ra áp lực đáng kể. Đồng thời, việc kỳ vọng vào đầu tư công sẽ tiếp tục là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng cho ngành thép nội địa. Thép SMC dự định tiếp tục triển khai chương trình tái cơ cấu toàn diện với tinh thần tinh gọn và đa nhiệm.

Đối với kế hoạch phân phối lợi nhuận trong năm 2023, doanh nghiệp dự kiến sẽ không tiến hành chia cổ tức do kết quả kinh doanh trong năm không đạt được như kế hoạch đã đề ra. Dự báo cho năm nay vẫn tiếp tục đầy khó khăn và cần phải tập trung mọi nguồn lực vào hoạt động kinh doanh, vì vậy công ty cũng đề xuất không tiến hành chia cổ tức cho năm 2024.

Ngoài ra, trong buổi họp sắp tới, doanh nghiệp dự định trình làng phương án phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho tối đa 20 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tương đương 99% số cổ phần hiện đang lưu hành.

Mức giá phát hành được xác định là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với giá đóng cửa của cổ phiếu SMC vào phiên giao dịch ngày 4/4 (11.150 đồng/cổ phiếu). Giá trị sổ sách căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 là 10.920 đồng/cổ phiếu.

Với việc dự kiến huy động được 730 tỷ đồng từ phát hành này, công ty dự định sẽ sử dụng số tiền này để thanh toán các khoản nợ vay, thanh toán các khoản nợ đối với nhà cung cấp và tăng cường vốn lưu động.

Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế về việc chuyển nhượng trong vòng một năm. Thời gian dự kiến cho quá trình phát hành là trong năm 2024 sau khi nhận được sự chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Sau khi hoàn tất quá trình phát hành, vốn điều lệ của Thép SMC dự kiến sẽ tăng từ 737 tỷ lên 1.467 tỷ đồng.

Cổ phiếu SMC nhận cùng lúc 2 quyết định "không vui" từ HOSE

Công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán với lợi nhuận âm 2 năm liên tiếp, Đầu tư Thương mại SMC cùng ...

“Trẻ hoá” ban điều hành, thành viên sáng lập của Bamboo Capital (BCG) “nhường ghế” cho tân Tổng Giám đốc 8x

Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Tùng Lâm vào vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật thay cho ông Nguyễn Thế ...

Sông Đà Cao Cường (SCL) có gì khi "rục rịch" lên HOSE?

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024, HĐQT Công ty CP Sông Đà Cao Cường sẽ trình cổ đông thông qua phương án chuyển cổ ...

Đức Huy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán