Tập đoàn CIP: "Việt Nam có tiềm năng to lớn trong ngành điện gió"

(Banker.vn) Theo ông Stuart Linsey, Trưởng đại diện Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất trong ngành điện gió châu Á
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất nhập điện gió từ Lào Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm ''Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng'' Nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi

Với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (hay còn gọi là Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, trong đó đã có danh mục các dự án nguồn và lưới điện ưu tiên đầu tư ngành điện.

Một trong những dự án điện được chú ý nhất trong thời gian qua là dự án điện gió La Gàn nằm ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Được phát triển bởi Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) cùng các đối tác trong nước, dự án khi hoàn thành dự kiến có thể cung cấp năng lượng cho hơn 7 triệu hộ gia đình mỗi năm.

Tập đoàn CIP:
Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn được phát triển bởi Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners

Để chia sẻ về lý do và kỳ vọng cho dự án này, cũng như để đề ra các khuyến nghị về chính sách trong thời gian tới, Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn với ông Stuart Linsey, Trưởng đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, đồng thời là Tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn.

Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) là một trong những nhà đầu tư lớn trên thế giới trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo. Ông có thể chia sẻ lý do CIP lựa chọn Việt Nam làm điểm đầu tư tiếp theo và những hoạt động của Tập đoàn CIP tại Việt Nam trong thời gian gần đây?

Từ lúc bước vào thị trường Việt Nam, chúng tôi đã thấy đây là một trong những thị trường điện gió ngoài khơi hấp dẫn nhất tại châu Á. Chúng tôi quyết định đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng này nhờ 4 yếu tố sau đây.

Tập đoàn CIP:
Ông Stuart Linsey, Trưởng đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, đồng thời là Tổng giám đốc Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn.

Yếu tố đầu tiên đến từ việc Việt Nam được ban tặng nhiều điều kiện thuận lợi từ thiên nhiên để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Thực tế, vùng biển Việt Nam có tốc độ gió rất tốt, đặc biệt ở khu vực Nam Trung Bộ như Bình Thuận và Ninh Thuận, có thể được đánh giá là tốt nhất khu vực châu Á. Mực nước biển nông cho phép sử dụng các móng cố định cho các tuabin gió, không cần sử dụng móng tuabin nổi tốn kém và phức tạp, nhờ vậy tiết kiệm chi phí cho dự án.

Một yếu tố khác là Việt Nam đã có sẵn chuỗi cung ứng hiệu quả cho ngành điện gió ngoài khơi. Các doanh nghiệp trong nước đã có khả năng cung cấp khá nhiều hạng mục, cơ sở vật chất phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi tại thị trường quốc tế, chẳng hạng như trạm biến áp ngoài khơi, chân đế jacket cho dự án tại Đài Loan (Trung Quốc) , tháp tuabin cho dự án tại Hàn Quốc.... Do vậy, Việt Nam đang có vị thế thuận lợi để cung ứng và trở thành trung tâm sản xuất cho các dự án điện gió ngoài khơi trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và có thể xa hơn nữa.

Yếu tố thứ ba đến từ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đã có sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong vòng 20 năm trở lại đây và kèm theo đó là nhu cầu về năng lượng. Năng lượng tái tạo như điện gió sẽ đóng vai trò lớn trong việc đáp ứng nguồn cung của Việt Nam về năng lượng. Hơn nữa, phát triển điện gió sẽ đóng vai trò giúp Việt Nam tự chủ hơn về nguồn điện, góp phần tăng cường an ninh năng lượng cho Việt Nam.

Yếu tố cuối cùng và quan trọng nhất là cam kết của chính phủ Việt Nam vào năng lượng tái tạo. Cam kết giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII là những quyết định tuyệt vời, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tích hợp điện gió ngoài khơi vào cơ cấu năng lượng của Việt Nam vào năm 2030, sau đó là mục tiêu đến năm 2050. Những sự kiện trên đã mở cánh cửa cho các nhà đầu tư đến với Việt Nam, gửi đi thông điệp về tiềm năng trong việc đầu tư trực tiếp vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như tiềm năng trong phát triển chuỗi cung ứng nội địa, tận dụng nguồn nhân lực trình độ cao trong nước.

Với tầm nhìn dài hạn tại Việt Nam, trong thời gian tới, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện dự án và xây dựng chính sách với các cơ quan hữu quan của Việt Nam, nhằm hỗ trợ khởi tạo ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi trong nước, cũng như góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra tại Quy hoạch điện VIII.

Qua đó, chúng tôi mong muốn hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo có khả năng vận hành lâu dài, ổn định và mang lại lợi ích kinh tế - xã hội để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng xanh ngày càng tăng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây là yếu tố tối quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển.

Ông có khuyến nghị gì về chính sách trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển chuỗi cung ứng nội địa cũng như góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

Với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới, chúng tôi mong muốn Chính phủ đưa ra chính sách rõ ràng, minh bạch và các cơ chế khuyến khích phù hợp để các nhà đầu tư quốc tế có thể yên tâm thực hiện các cam kết lâu dài trong các dự án năng lượng trị giá hàng tỷ USD. Có 4 chính sách mà chúng tôi cho rằng rất hữu ích cho thị trường trong thời điểm này bao gồm:

Thứ nhất, cần trao cho doanh nghiệp nhà nước cùng các nhà đầu tư quốc tế có năng lực, kinh nghiệm được triển khai các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm thông qua cơ chế phát triển nhanh. Các dự án thí điểm này là bước khởi đầu hoàn hảo cho ngành điện gió quốc gia vì chúng không tốn nhiều thời gian và chi phí xây dựng.

Thứ hai, cần thiết lập lộ trình tiếp cận thị trường rõ ràng cho các nhà đầu tư, bao gồm các quy trình, thủ tục chi tiết kèm thời gian phê duyệt nhằm đảm bảo tiến độ của dự án, bao gồm việc nhà đầu tư cần cung cấp cho các cơ quan hữu quan những thông tin, văn bản, kế hoạch về dự án, về cơ quan trách nhiệm phê duyệt dự án để đảm bảo phản hồi kịp thời cho nhà đầu tư.

Thứ ba, cần điều chỉnh và cung cấp các hợp đồng mua bán điện phù hợp với đặc thù của dự án điện gió ngoài khơi. Qua đó, đảm bảo nguồn doanh thu dài hạn, ổn định, đồng thời có cơ chế chia sẻ rủi ro cho những dự án có chi phí đầu tư khổng lồ.

Cuối cùng, cần ban hành cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp, trong đó cho phép các đơn vị sản xuất năng lượng sạch được cung cấp điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất có cam kết sử dụng năng lượng tái tạo.

Qua đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ sớm triển khai những quyết sách cụ thể, nhanh chóng, thiết thực và hiệu quả để góp phần hiện thực hóa mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 đạt 6GW như đã đề ra tại Quy hoạch điện VIII.

Ông đánh giá như thế nào về cơ hội của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi? Để không "đứng ngoài cuộc chơi" doanh nghiệp trong nước cần làm gì để nắm bắt được cơ hội này?

Như đã nói, doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng rất lớn khi tham gia vào các dự án năng lượng trị giá hàng tỷ USD và trực tiếp hưởng lợi từ các dự án này. Theo kết quả nghiên cứu từ một đơn vị tư vấn độc lập, ước tính trên 40% chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi có thể được thực hiện bởi các công ty tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp địa phương có thể tham gia vận hành và bảo trì tuabin gió, thi công xây dựng trạm biến áp trên bờ và ngoài khơi, sản xuất móng tuabin, tháp tuabin gió, cung cấp cảng cho thi công lắp đặt biển...

Dự án điện gió cũng có thể tạo ra trên 45.000 việc làm tại Việt Nam, cũng như tạo điều kiện để một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang tham gia vào chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn trong khu vực, chẳng hạn như tại Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, và xa hơn nữa là châu Âu.

Tập đoàn CIP:
Xây dựng Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn.

Cơ hội rất nhiều nhưng để thành công, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kỹ càng và đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn.

Đầu tiên, các doanh nghiệp cần hiểu rõ tiềm năng to lớn của ngành điện gió ngoài khơi, được hỗ trợ bởi cam kết mạnh mẽ của Chính phủ tại COP26 và Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.

Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng của các dự án có điểm tương đồng, chẳng hạn như dự án điện gió trên bờ, sau đó là các dự án điện gió ngoài khơi quốc tế để tích lũy thêm kinh nghiệm và hiểu rõ yêu cầu đặc thù của ngành này nhằm từng bước xây dựng khung năng lực của doanh nghiệp mình.

Thứ ba, sự cạnh tranh trong ngành điện gió ngoài khơi sẽ ngày càng rõ nét. Các doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược kinh doanh hiệu quả dựa trên thế mạnh, lợi thế của mình, cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước khác để hoàn thiện chuỗi giá trị.

Thứ tư, do đây là ngành công nghiệp hoàn toàn mới ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước nên tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm để có thể tận dụng năng lực, kinh nghiệm cũng như nguồn vốn đầu tư từ họ.

Tôi tin rằng, trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp tiên phong luôn phải đối mặt với rất nhiều thử thách, tuy nhiên những thành quả và lợi ích đạt được là vô cùng to lớn, xứng đáng với những nỗ lực và sự cống hiến của họ. Tôi đánh giá Việt Nam sẽ là niềm hy vọng mới của khu vực châu Á trong lĩnh vực năng lực tái tạo và tiềm năng của nước bạn là vô cùng to lớn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) được thành lập vào năm 2012, hiện là nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo lớn nhất trên thế giới, đồng thời là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Cụ thể, CIP đầu tư phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác, truyền tải và phân phối nguồn điện, nguồn điện dự trữ, điện tích năng, điện nhiên liệu sinh học tiên tiến và công nghệ chuyển đổi điện năng thành các nguồn nhiên liệu khác – “Power-to-X” (Pin, Amoniac, Hydro xanh...).

CIP hiện đang quản lý 12 quỹ đầu tư vào năng lượng tái tạo với tổng vốn huy động khoảng 30 tỷ USD. CIP đã đầu tư và phát triển danh mục dự án năng lượng tái tạo dẫn đầu thị trường với tổng công suất khoảng 120GW với đa dạng loại năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, gần một nửa danh mục dự án cho CIP phát triển (tương ứng khoảng 60GW) là điện gió ngoài khơi.

CIP gia nhập thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam từ đầu năm 2019 và hiện đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất 3,5GW tại ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, và một số dự án điện gió ngoài khơi đang trong giai đoạn phát triển ban đầu khác có tổng công suất trên 10GW. CIP đã và đang hoạt động tích cực tại Việt Nam, với sự tham gia của trên 30 nhân sự Việt tại 2 văn phòng, một văn phòng ở Hà Nội và một văn phòng ở Bình Thuận, nhằm hỗ trợ tập đoàn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng và đối tác trong nước.

Phú Quý

Theo: Báo Công Thương