Pháp luật về phát triển dự án bất động sản xanh tại Việt Nam

(Banker.vn) Bất động sản xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, phát triển dự án bất động sản xanh đang là xu hướng và được nhiều nhà đầu tư, người tiêu dùng quan tâm. Về cơ bản, mặc dù số lượng dự án bất động sản xanh tại Việt Nam có tăng lên trong những năm gần đây nhưng so với các nước trong khu vực thì còn khá khiêm tốn. Hiện nay, pháp luật đã có những quy định cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển dự án bất động sản xanh; tuy nhiên, các quy định này còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc tạo ra khung hành lang pháp lý toàn diện trong việc điều chỉnh hoạt động phát triển dự án bất động sản xanh tại Việt Nam. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá các quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề phát triển dự án bất động sản xanh, chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, bất cập, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.
Tóm tắt: Bất động sản xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, phát triển dự án bất động sản xanh đang là xu hướng và được nhiều nhà đầu tư, người tiêu dùng quan tâm. Về cơ bản, mặc dù số lượng dự án bất động sản xanh tại Việt Nam có tăng lên trong những năm gần đây nhưng so với các nước trong khu vực thì còn khá khiêm tốn. Hiện nay, pháp luật đã có những quy định cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển dự án bất động sản xanh; tuy nhiên, các quy định này còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc tạo ra khung hành lang pháp lý toàn diện trong việc điều chỉnh hoạt động phát triển dự án bất động sản xanh tại Việt Nam. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá các quy định pháp luật Việt Nam về vấn đề phát triển dự án bất động sản xanh, chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, bất cập, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

Từ khóa: Bất động sản xanh, phát triển bền vững, khung pháp luật.
 
Vietnamese legal framework for the development of green real estate projects
 
Abstract: Green real estate plays an important role in meeting the requirements of sustainable development. In Vietnam, the development of green real estate projects is a trend and is interested by investors and consumers. Basically, the number of green real estate projects in Vietnam has increased in recent years. However, if compared to other countries in the region, it is quite modest. Currently, the law has necessary regulations to meet the needs of green real estate project development but are limited. The article focuses on analyzing and evaluating Vietnamese legal regulations governing the development of green real estate projects, pointing out the limited and inadequate issues, thereby making some proposals and recommendations for completion.

Keywords: Green real estate, substainable development, legal framework.
 

Bất động sản xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững (Nguồn ảnh: Internet)

1. Sự cần thiết của việc phát triển dự án bất động sản xanh

Bất động sản xanh được gọi là bất động sản bền vững hoặc thân thiện với môi trường. Về cốt lõi, bất động sản xanh có thể góp phần giảm tác động môi trường, nâng cao sức khỏe và hạnh phúc của con người. Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển các dự án bất động sản xanh là rất cần thiết, điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:

Một là, bất động sản xanh giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Bất động sản xanh sử dụng các vật liệu có nồng độ chất độc hại và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi thấp, vật liệu thu được từ các nguồn tái chế, thân thiện với môi trường, các vật liệu có tuổi thọ và khả năng tái chế kéo dài và các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, địa nhiệt, năng lượng sinh học... Do đó, bất động sản xanh giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là đảm bảo chất lượng không khí thông qua hệ thống thông gió và màng lọc, giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất độc hại và cải thiện độ chiếu sáng thông qua việc sử dụng ánh sáng tự nhiều2. Hơn nữa, các công trình bất động sản xanh thường sử dụng rất nhiều cây xanh trong không gian nên việc phát thải nhiệt thừa ít, các đô thị được hình thành từ bất động sản xanh sẽ không xảy ra hiện tượng đảo nhiệt. Bên cạnh đó, bất động sản xanh còn giúp tiết kiệm tài nguyên nước và hiện tượng ngập úng đô thị, chống ô nhiễm nguồn nước ngầm thông qua việc tái chế sử dụng nước mưa3.

Hai là, bất động sản xanh giải quyết khủng hoảng về năng lượng. Xây dựng là một trong những ngành sản xuất sử dụng nhiều vật liệu và năng lượng, bao gồm khoảng 50% mức tiêu thụ năng lượng và 60% nguồn nguyên liệu4. Việc bất động sản xanh sử dụng các nguyên vật liệu xây dựng từ nguồn tái chế, thân thiện với môi trường và năng lượng tái tạo sẽ giúp giải quyết bài toán về thiếu hụt năng lượng. Thông qua việc áp dụng các hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí hiệu quả, cách nhiệt đáng tin cậy, sử dụng các thiết bị gia dụng và chiếu sáng tiết kiệm năng lượng cũng như áp dụng các hệ thống quản lý năng lượng tự động, bất động sản xanh có thể góp phần làm giảm đáng kể chi phí năng lượng và sử dụng tài nguyên hợp lý hơn5.

Ba là, bất động sản xanh mang lại lợi ích về mặt kinh tế. Việc đầu tư cho các dự án bất động sản xanh tại Việt Nam sẽ mang lại lợi ích nhất định về mặt chi phí. Cụ thể, chi phí đầu tư cho các công trình, dự án bất động sản xanh chỉ bằng hoặc thấp hơn chi phí đầu tư cho công trình xây dựng thông thường6.. Nếu sử dụng các biện pháp thiết kế kiến trúc kết hợp với trang thiết bị nội thất hiện đại, chi phí đầu tư cho các dự án bất động sản xanh cao hơn công trình thông thường cùng loại trung bình khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%. Tuy nhiên, chi phí vận hành, sử dụng công trình bất động sản xanh sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20 - 30% do tiết kiệm năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Do đó, chỉ sau 4 - 5 năm vận hành các dự án bất động sản xanh, số tiền tiết kiệm có thể bù đắp vốn đầu tư và từ năm thứ 5 trở đi, tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn, từ đó giúp mang lại hiệu quả về mặt kinh tế.7

Bốn là, bất động sản xanh đem đến lợi ích về mặt sức khỏe. Theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, ô nhiễm không khí trong nhà đóng kín có thể tồi tệ hơn từ 02 đến 05 lần, đôi khi tới 100 lần so với chất lượng không khí ngoài trời. Thông qua việc sử dụng một hệ thống thông gió lành mạnh, hệ thống chiếu sáng từ năng lượng tái tạo và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, bất động sản xanh có thể góp phần tích cực vào việc bảo vệ chất lượng môi trường sống và sức khỏe của con người. Đây sẽ là một “liều thuốc” hữu hiệu cho các căn bệnh xuất phát từ việc sống trong không gian đóng kín cửa của căn nhà, sử dụng điều hòa không khí và ánh sáng đèn điện thay vì sáng mặt trời trong một thời gian dài có thể tạo ra các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu.

2. Pháp luật về phát triển dự án bất động sản xanh tại Việt Nam

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ) đã đưa ra các mục tiêu và giải pháp thực hiện việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng, phát triển các công trình xanh, trong đó có bất động sản xanh trên cơ sở tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Để đảm bảo được mục tiêu đó, liên quan đến vấn đề phát triển dự án bất động sản xanh, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Đầu tư năm 2020, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Tất cả những văn bản này đã tạo được hành pháp lý cần thiết để phục vụ cho hoạt động phát triển các dự án bất động sản xanh tại Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, hệ thống quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề phát triển dự án bất động sản xanh còn một số hạn chế, bất cập:

Một là, thiếu một định nghĩa mang tính pháp lý và một khung pháp luật riêng biệt đối với bất động sản xanh. Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành chưa đưa ra khái niệm chính thức về bất động sản xanh. Việc chưa quy định cụ thể về khái niệm bất động sản xanh là một trong những hạn chế lớn bởi nếu không có một định nghĩa thống nhất, sẽ rất khó tạo ra được sự đồng bộ trong cách hiểu, tiếp cận đối với bất động sản xanh. Bên cạnh đó, chưa có một văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể, trực tiếp và toàn diện về bất động sản xanh. Thực tế, việc xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến bất động sản xanh phải dựa vào nhiều văn bản pháp luật với các quy định rải rác khác nhau. Điều này không chỉ tạo ra lỗ hổng về mặt pháp lý trong việc điều chỉnh hoạt động phát triển các dự án bất động sản xanh mà còn gây ra không ít vấn đề khó khăn, thách thức cho các chủ thể trong việc đầu tư, tiếp cận và sử dụng bất động sản xanh tại Việt Nam.

Hai là, thiếu quy định pháp luật về tiêu chuẩn, hệ thống chứng nhận bất động sản xanh. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có sự điều chỉnh đối với các tiêu chí đánh giá, chứng nhận bất động sản xanh. Đối với công trình xanh, Việt Nam sử dụng các hệ thống đánh giá được áp dụng như hệ thống đánh giá công trình xanh LOTUS của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC); tiêu chuẩn LEED, FITWELL, WELL của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC); hệ thống chứng nhận công trình xanh EDGE của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC); chứng chỉ Green Star của Hội đồng Xây dựng xanh Úc; chứng chỉ Green Mark của Cơ quan môi trường xanh Singapore (BGA); tiêu chí DGNB của Hội đồng Xây dựng bền vững Đức; hệ thống chứng nhận công trình bền vững HQE của Pháp; tiêu chí GO - AIT VN của văn phòng Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam. Trong khi đó, đối với bất động sản xanh, chưa có bộ tiêu chuẩn để đánh giá, chứng nhận cụ thể, thực tế mà phải dựa vào các tiêu chuẩn được áp dụng đối với công trình xanh hoặc các tiêu chuẩn của quốc tế. Điều này có thể gây ra những rủi ro, bất cập cho thị trường như hiện tượng mượn nhãn dự án “bất động sản xanh” để thu hút đầu tư nhưng sự thật những công trình đó lại không đạt được chất lượng thực như đã công bố, không đạt bất kì tiêu chuẩn xanh nào mà chỉ dùng thủ đoạn để đạt được mục đích thương mại. Hơn nữa, việc sử dụng nhiều hệ thống tiêu chí khác nhau sẽ dẫn đến sự không thống nhất trong việc áp dụng các tiêu chuẩn và khó có thể đánh giá được chất lượng của các dự án. Đồng thời, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế thay vì hệ thống tiêu chuẩn được điều chỉnh bởi pháp luật của quốc gia sẽ khiến cho việc tiếp cận của dự án bất động sản xanh do có thể các tiêu chuẩn đó sẽ không phù hợp và bao quát hết đặc điểm, thực trạng của thị trường bất động sản trong nước. Hơn nữa, việc thiếu các quy định tiêu chuẩn, đánh giá cụ thể sẽ làm giảm độ tin cậy của các nhà đầu tư đối với độ “xanh” của dự án.

Ba là, các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án bất động sản xanh còn khó tiếp cận. Để tạo điều kiện hỗ trợ cho việc phát triển bất động sản xanh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các văn bản cần thiết điều chỉnh về vấn đề này như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 06/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định số 1731/QĐ-NHNN ngày 31/8/2018 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đặc biệt, Quyết định số 986/QĐ-NHNN ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, bổ sung nội dung về tín dụng ngân hàng xanh, lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong các chương trình, dự án vay vốn của các tổ chức tín dụng... Ngoài ra, NHNN cũng tăng cường năng lực cho hệ thống các tổ chức tín dụng, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện, khách hàng được tiếp cận các gói sản phẩm tín dụng riêng cho lĩnh vực xanh… Với việc xây dựng, ban hành hàng loạt các văn bản trên đã góp phần quan trọng vào việc tạo được hành lang pháp lý, hỗ trợ về mặt tài chính cho phát triển các dự án bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như các doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói tín dụng trong phát triển dự án bất động sản xanh từ phân khúc cao cấp cho tới các dự án nhà ở xã hội. Lý giải cho tình trạng này, bà Phạm Thị Thu Hà - Phó Trưởng Phòng Quản lý và phát triển nhà ở xã hội (Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng) cho biết, pháp luật hiện chỉ quy định ưu đãi thuế, tài chính và đất đai cho tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng… Còn đối với chủ đầu tư các dự án bất động sản, trong đó có bất động sản xanh chưa có ưu đãi về thuế, đất đai mà chỉ được xem xét hỗ trợ lãi suất nhưng cũng rất khó để tiếp cận8. Bên cạnh đó, cũng chưa có hình thức ưu đãi nào về thuế, tài chính hay đất đai cho người mua nhà của các dự án bất động sản xanh sử dụng hiệu quả năng lượng. Đây cũng là một trong những rào cản đối với sự phát triển bất động sản xanh tại Việt Nam.

3. Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện

Để khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập đang tồn tại trong quy định pháp luật điều chỉnh về phát triển dự án bất động sản xanh cũng như tạo được hành lang pháp lý cần thiết để điều chỉnh về vấn đề này, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị sau:

Một là, cần đưa ra khái niệm luật định về “bất động sản xanh” và “phát triển bất động sản xanh”. Không giống như khái niệm “công trình xanh” chỉ điều chỉnh yếu tố “xanh” của một đối tượng “công trình xây dựng”, “bất động sản xanh” bao gồm nhiều đối tượng hơn cần được điều chỉnh như đất đai, nhà ở, công trình xây dựng... Vì vậy, khi đưa ra khái niệm về “bất động sản xanh”, sẽ không tiếp cận ở góc độ là một chủ thể nhất định mà tiếp cận ở góc độ đó là các hoạt động liên quan đến các đối tượng thuộc khái niệm “bất động sản” và nhấn mạnh vào việc phát triển yếu tố “xanh” của các đối tượng này. Theo đó, có thể hiểu: (i) “bất động sản xanh” là loại hình bất động sản được thiết kế, xây dựng, vận hành thân thiện với môi trường và bền vững; (ii) “phát triển bất động sản xanh” là việc thực hiện các hoạt động quy hoạch khu đất; quy hoạch dự án, công trình xây dựng; thiết kế, sử dụng, vận hành các bất động sản nhà ở, công trình xây dựng đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường sống bên trong công trình và bảo vệ môi trường bên ngoài công trình. Việc đưa ra một định nghĩa đúng và rõ ràng, thống nhất về bất động sản xanh sẽ là bước đi vô cùng quan trọng nếu muốn phát triển mô hình này trên thực tế.

Hai là, cần nhanh chóng xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành điều chỉnh trực tiếp, toàn diện về vấn đề bất động sản xanh và phát triển dự án bất động sản xanh. Như đã đề cập, hiện nay, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh trực tiếp về vấn đề bất động sản xanh nên đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho việc tiếp cận, xác định, đầu tư, phát triển, vận hành và sử dụng đối với loại bất động sản này. Điều này đặt ra yêu cầu Nhà nước cần sớm ban hành và áp dụng các văn bản pháp luật chuyên ngành để điều chỉnh trực tiếp, toàn diện, đầy đủ, thống nhất về bất động sản xanh. Theo đó, trong các văn bản được ban hành, cần quy định cụ thể về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc đầu tư, phát triển, vận hành và sử dụng đối với bất động sản xanh, đặc biệt phải xác định được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong việc đảm bảo thực hiện các dự án bất động sản xanh, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ được áp dụng đối với việc đầu tư, phát triển cũng như cơ chế khen thưởng, xử phạt và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với bất động sản xanh và phát triển dự án bất động sản xanh. Khi các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh trực tiếp, toàn diện về bất động sản xanh được ban hành sẽ tạo được hành lang pháp lý, góp phần khắc phục các vấn đề khó khăn, bất cập trên thực tế, giúp các chủ thể mạnh dạn tham gia vào thị trường bất động sản xanh tại Việt Nam.

Ba là, cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn riêng dùng để đánh giá, xếp hạng đối với bất động sản xanh thông qua việc tham khảo kinh nghiệm từ hệ thống đánh giá công trình xanh của các quốc gia khác trên cơ sở phù hợp với đặc điểm, thực trạng của Việt Nam. Một số hệ thống đánh giá tiêu biểu trên thế giới có thể tham khảo, học hỏi kinh nghiệm như: Hệ thống đánh giá công trình xanh của Vương quốc Anh, hệ thống LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ, chứng chỉ Green Star của Úc hay Green Mark của Singapore. Đây là hệ thống trọng tâm hướng đến yếu tố khí hậu của khu vực - một yếu tố chi phối rất nhiều trong việc thiết kế, sử dụng và vận hành dự án bất động sản xanh.

Bốn là, cần có các quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án bất động sản xanh. Theo đó, cần cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, tài chính… và áp dụng cho không chỉ cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng mà còn cho chủ đầu tư các dự án bất động sản, trong đó có bất động sản xanh; qua đó, tạo động lực để thu hút các chủ thể tham gia tích cực vào thị trường. Bên cạnh đó, cần phải thiết lập các quy định ghi nhận về các hình thức ưu đãi dành cho người mua nhà của các dự án bất động sản xanh sử dụng hiệu quả năng lượng. Đây là vấn đề rất cần thiết bởi khi được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ sẽ góp phần kích cầu người tiêu dùng quan tâm hơn về vấn đề sử dụng các sản phẩm từ các dự án bất động sản xanh, từ đó sẽ tạo động lực cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bất động sản xanh tại Việt Nam.

4. Kết luận

Phát triển dự án bất động sản xanh là xu thế của thời đại, xuất phát từ áp lực kép của các vấn đề môi trường và nền kinh tế đối với đời sống xã hội. Tình hình phát triển bất động sản xanh tại Việt Nam nói chung vẫn tụt hậu so với các nước khác trên thế giới. Điều này được lý giải bằng nhiều lý do khác nhau, một trong số đó có thể kể đến là sự hạn chế trong quy định pháp luật điều chỉnh về bất động sản xanh. Để phát triển các dự án bất động sản xanh thành công, hệ thống pháp luật cần phải bổ sung, thay đổi phù hợp, tạo ra một cơ chế pháp lý riêng nhằm khắc phục các vấn đề còn hạn chế, bất cập hiện nay.

Seleznev Pavel Pavlovich, “Xây dựng xanh bất động sản thương mại”, Tạp chí Đổi mới và Đầu tư, số 8, 2023, trang 292
Seleznev Pavel Pavlovich, tlđd (9), trang 292.
Nguyễn Hữu Tấn, Phạm Quang Vũ, “Tiềm năng phát triển công trình xanh tại Việt Nam”, Tạp chí Xây dựng, số 12/2022, trang 70.
Avilova I.P., Naumov A.E., Krutilova M.O, “Các khía cạnh kinh tế và pháp lý của kiểm toán theo định hướng sinh thái trong xây dựng”, Bản tin của Đại học Công nghệ Bang Belgorod, số 5, 2016, trang 212.
Seleznev Pavel Pavlovich, tlđd (9), trang 292.
Pham Ngoc Dang, “Những lợi ích to lớn và lâu dài của xây dựng công trình xanh và đề xuất các giải pháp phát triển”, http://moitruongxaydung.vn/News/NewsDetail/205
Nguyễn Hữu Tấn, Phạm Quang Vũ, tlđd (11), trang 72.
GBS Vietnam, “Thực trạng tài chính xanh cho ngành bất động sản tại Việt Nam”, https://congtrinhxanhvn.com/thuc-trang-tai-chinh-xanh-cho-nganh-bat-dong-san-tai-viet-nam.html

Tài liệu tham khảo:
 
1. Avilova I.P., Naumov A.E., Krutilova M.O, “Các khía cạnh kinh tế và pháp lý của kiểm toán theo định hướng sinh thái trong xây dựng”, Bản tin của Đại học Công nghệ Bang Belgorod, số 5, 2016.
2. Phạm Ngọc Đăng, “Những lợi ích to lớn và lâu dài của xây dựng công trình xanh và đề xuất các giải pháp phát triển”, http://moitruongxaydung.vn/News/NewsDetail/2056
3. GBS Vietnam, “Thực trạng tài chính xanh cho ngành bất động sản tại Việt Nam”, https://congtrinhxanhvn.com/thuc-trang-tai-chinh-xanh-cho-nganh-bat-dong-san-tai-viet-nam.html
4. Nguyễn Hữu Tấn, Phạm Quang Vũ, “Tiềm năng phát triển công trình xanh tại Việt Nam”, Tạp chí Xây dựng, số 12/2022.
5. Seleznev Pavel Pavlovich, “Xây dựng xanh bất động sản thương mại”, Tạp chí Đổi mới và Đầu tư, số 8, 2023.
 
ThS. Trần Linh Huân,
Hà Gia Linh

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Theo: Tạp chí Ngân hàng