NOS nối dài chuỗi ngày khó khăn, cổ phiếu vẫn biết cách tạo điểm nhấn

(Banker.vn) Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, NOS dự báo gặp nhiều khó khăn hơn năm trước, tình hình tài chính và dòng tiền rất khó khăn...

Hôm qua ngày 21/3, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ra thông báo duy trì diện cảnh báo và hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu NOS của Công ty CP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UPCoM: NOS).

Cụ thể, cổ phiếu NOS bị HNX duy trì diện cảnh báo do báo cáo tài chính năm của NOS bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên, dựa trên cơ sở xem xét là BCTC năm 2023 đã được kiểm toán.

Ý kiến ngoại trừ của kiểm toán xoay quanh các vấn đề liên quan đến 2 công ty liên kết của NOS là Công ty CP Thương mại và vận tải Bắc và Công ty CP Nosco Shipyard; khoản vay tàu Nosco Victory tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - chi nhánh Hải Phòng; khoản vay tàu Hồng Lĩnh tại Ngân hàng TMCP Hàng hải và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; khoản đầu tư vào công ty con là Công ty CP Thương mại và vận tải thủy Nosco Quảng Ninh.

NOS nối dài chuỗi ngày khó khăn, cổ phiếu vẫn biết cách tạo điểm nhấn
Ý kiến ngoại trừ của kiểm toán xoay quanh các vấn đề liên quan đến 2 công ty liên kết của NOS

Về trường hợp duy trì diện hạn chế giao dịch, HNX cho biết NOS có vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm 2023, dẫn đến NOS tiếp tục chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Trên thực tế, cổ phiếu NOS đã rơi vào diện cảnh báo từ khoảng 1 năm trước, cụ thể là ngày 28/03/2023 cũng với lý như trên, dựa trên cơ sở xem xét là BCTC kiểm toán năm 2022. Mặt khác, cổ phiếu còn rơi vào diện hạn chế giao dịch từ nhiều năm nay, cũng vì âm vốn chủ ở từng thời kỳ khác nhau, chủ yếu do kinh doanh thua lỗ, chịu tác động chính bởi chi phí lãi vay, trích khấu hao đoàn tàu biển hay chênh lệch tỷ giá hối đoái.

Các vấn đề liên quan đến ý kiến kiểm toán hay thua lỗ đã được NOS giải trình lúc công bố BCTC kiểm toán năm 2023. Tuy nhiên, các lý giải được đưa ra không quá khác so với thời điểm giải trình những vấn đề tương tự trong những năm trước.

Trên thị trường, dù chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần nhưng cổ phiếu NOS rất biết tạo điểm nhấn khi liên tục tăng trần và giảm sàn. Kết phiên giao dịch ngày 22/03, cổ phiếu NOS tăng kịch trần (+11,11%), đưa thị giá lên mức 1.000 đồng/cp. Khối lượng khớp lệnh trong phiên đạt hơn 12 nghìn đơn vị.

NOS nối dài chuỗi ngày khó khăn, cổ phiếu vẫn biết cách tạo điểm nhấn
Cổ phiếu NOS rất biết tạo điểm nhấn khi liên tục tăng trần và giảm sàn trong vòng 1 năm qua

NOS dự báo gặp nhiều khó khăn hơn năm trước

Trước đó, vào ngày 15/03, NOS công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 với kế hoạch giảm lỗ so với 2023. Trong tài liệu, NOS dự báo thị trường vận tải biển vẫn khó khăn, giá nhiên liệu tăng cao, cước vận tải thấp, trong khi Công ty có 3/4 tàu trên 28 tuổi, tình trạng xuống cấp. Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, NOS dự báo gặp nhiều khó khăn hơn năm trước, tình hình tài chính và dòng tiền rất khó khăn.

NOS đặt kế hoạch sản lượng 562,4 nghìn tấn, giảm 27% so với năm 2023, do tàu Phương Đông 10 khai thác đến hết tháng 6/2024 và tàu Phương Đông 06 khai thác đến tháng 12/2024, sau đó bàn giao cho Ngân hàng để xử lý tài sản bảo đảm. Đồng thời, Công ty không thực hiện hợp đồng vận chuyển sắt cho Formosa và than cho dự án Hòa Phát Dung Quất.

Tuy nhiên, kế hoạch doanh thu lại tăng 5%, lên 179,5 tỷ đồng, nhờ dự kiến có thêm doanh thu tài chính khác từ việc thanh lý tài sản khoảng 61,3 tỷ đồng. NOS cũng cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động dịch vụ cho thuê tàu ngoài để tăng doanh thu.

Trước tình hình thị trường diễn biến khó lường, NOS dự kiến giá cước sẽ giảm so với bình quân năm trước. Cụ thể, tàu Phương Đông 10 đến hết tháng 6/2024 là 2.000 USD/ngày, giảm 1.500 USD so với bình quân năm trước; tàu Phương Đông 05 là 4.100 USD/ngày, giảm 900 USD; tàu Phương Đông 06 đến cuối năm 2024 là 4.100 USD/ngày, giảm 900 USD; tàu Oriental Glory tiếp tục cho thuê tàu trần với giá cước 1,7 tỷ đồng/tháng (đã bao gồm VAT).

Về hoạt động bán, thanh lý tài sản, NOS cho biết sẽ thực hiện xử lý tài sản đảm bảo đối với tàu Phương Đông 10, Phương Đông 05, Phương Động 06 và Oriental Glory. Công ty cũng khởi động lại kế hoạch chuyển nhượng phần vốn đầu tư tại Công ty CP Nosco Shipyard, căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai và báo cáo kết quả tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2025.

NOS nhấn mạnh sẽ tập trung vào các hoạt động tái cơ cấu nên Công ty không có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản trong năm nay. Với nhiều nỗ lực, NOS dự kiến EBITDA hơn 552 tỷ đồng, tăng 28% và giảm lỗ ròng còn 128,5 tỷ đồng, từ mức lỗ ròng gần 300 tỷ đồng năm trước.

NOS nối dài chuỗi ngày khó khăn, cổ phiếu vẫn biết cách tạo điểm nhấn
Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của NOS

Theo tìm hiểu, Công ty CP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông tiền thân là công ty Vận tải Thủy Bắc, thuộc Cục Đường sông Việt Nam. Doanh nghiệp được thành lập năm 1993 theo quyết định của Bộ Giao thông Vận Tải trên cơ sở chuyển đổi tổ chức Văn phòng Tổng công ty Vận tải sông I.

Năm 2004, Công ty đổi tên thành Công ty Vận tải Biển Bắc, đến năm 2007 công ty này chính thức hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần và đến năm 2017 được đổi tên thành Công ty CP Vận tải biển và thương mại Phương Đông. Hiện nay, cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, MCK: MVN) khi nắm giữ 49% vốn.

Mua gì hôm nay 22/03: DHG, BID, DGC?

DHG, BID, DGC là những cái tên được các CTCK khuyến nghị mua/nắm giữ trong phiên giao dịch 22/03.

Khi dòng tiền bắt đầu khỏe hơn, 3 nhóm ngành nhà đầu tư cần chú ý

Khi dòng tiền đầu cơ và dòng tiền sử dụng đòn bẩy bắt đầu khỏe hơn sẽ chuyển đến nhóm Midcap và Smallcap. Giai đoạn ...

Rộng cửa đón vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Động thái mới đây của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thể hiện quyết tâm về việc nâng hạng thị trường, qua đó thu hút ...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán