Nguồn cung giảm sâu, xuất khẩu cà phê tăng vọt

(Banker.vn) Nguồn cung tồn kho bất ngờ giảm sâu đã khiến giá xuất khẩu cà phê tăng vọt trong phiên giao dịch ngày hôm qua.
Nguồn cung thiếu hụt, xuất khẩu cà phê tiếp tục có cơ hội tăng Giá Arabica tăng mạnh, xuất khẩu cà phê của Việt Nam kỳ vọng tăng cao dịp cuối năm

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 30/11, giá hai mặt hàng cà phê tăng đột biến với 6,95% của Arabica hợp đồng tháng 3 và 3,49% của Robusta hợp đồng tháng 1. Tồn kho trên Sở hàng hoá liên lục địa (ICE) bất ngờ giảm sâu với những tín hiệu tích cực trước đó, cùng lo ngại nông dân Brazil đang hạn chế bán hàng đã khiến giá cà phê tăng trong phiên hôm qua.

Nguồn cung giảm sâu, xuất khẩu cà phê tăng vọt
Giá hai mặt hàng cà phê tăng vọt

Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở Giao dịch Liên lục địa Châu Âu (ICE-US) kết phiên 29/11 bất ngờ tụt sâu 33.764 bao loại 60kg, đánh mất toàn bộ những gì khởi sắc trong hai tuần gần đây. Thậm chí mức giảm mạnh trong phiên hôm qua đã đẩy tổng lượng Arabica đã chứng nhận về còn 259.800 tấn, xác lập kỷ lục thấp mới trong hơn 24 năm.

Theo thông tin mới nhất ghi nhận, lượng Arabica đạt chuẩn sau phiên 30/11 đã giảm thêm 35.734 bao, về còn 224.066 bao. Đây là mức tồn kho đã chứng nhận thấp nhất kể từ tháng 3/1999.

Bên cạnh đó, giới quan sát nhận định nông dân Brazil dường như đang hạn chế bán cà phê sau khi đã đẩy mạnh bán hàng trong giai đoạn tháng 10 và đầu tháng 11. Điều này cũng góp phần thúc đẩy giá tăng mạnh hơn.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (1/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng tăng 100 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước đang được thu mua quanh mức 57.800 - 58.900 đồng/kg.

Nguồn cung giảm sâu, xuất khẩu cà phê tăng vọt
Giá cà phê có thể lên đến hơn 2.300 USD/tấn

Theo nguồn tin tổng hợp, hiện nay tiến độ thu hoạch cà phê niên vụ 2023/24 tại Việt Nam đã đạt 30% kế hoạch và dự kiến tháng 12 này thu hoạch tập trung sẽ diễn ra. Như vậy, khả năng cao trong tháng đầu tiên của năm 2024, hoạt động thu hoạch cà phê của nông dân cơ bản hoàn thành và nguồn cung định hình rõ nét.

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu Robusta của Brazil có thể chững lại và lúc này tâm điểm chú ý chuyển sang Việt Nam. Tranh thủ giá cao, chỉ trong 4 tháng gần đây, Brazil đã xuất đi 2,51 triệu bao Robusta, tăng 171% so với tổng số trong niên vụ 2022/23 và gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm niên vụ trước, theo dữ liệu từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE). Điều này có thể khiến Brazil tạm thời hết hàng trước khi niên vụ mới bắt đầu từ tháng 7/2024.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc MXV nhận định những tháng đầu năm 2024 nguồn cung Robusta của Việt Nam có thể sẽ chiếm lĩnh thị phần trên thị trường toàn cầu. Với lượng cà phê sẵn có nhờ hoạt động thu hoạch, dự kiến giá cà phê sẽ có nhịp giảm trong ngắn hạn. Dù vậy, mức điều chỉnh sẽ tương đối nhẹ nhàng và giá có thể neo trên 2.300 USD/tấn.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới chỉ sau Brazil, nhưng các mặt hàng cà phê được xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô.

Để nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực đưa các sản phẩm với thương hiệu riêng ra thị trường. Đơn cử mới đây, Phúc Sinh đã ký kết hợp tác với Công ty LNS International Corporation (LNS) đưa sản phẩm K Coffee vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm tại Mỹ từ 2022. Đặc biệt, LNS đã triển khai và bán sản phẩm này trên trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới: Amazon, Walmart, Faire (B2B). Từ tháng 12 tới, sản phẩm K Coffee cũng sẽ được LNS xuất khẩu sang châu Âu, Úc – New Zealand và Nhật Bản.

Điều này đánh dấu mốc phát triển thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ thế giới. Từ đây, nhiều người tiêu dùng quốc tế sẽ tiếp cận gần hơn với sản phẩm cà phê Việt Nam, từ đó khẳng định vị thế và định vị thương hiệu cà phê Việt trên thế giới.

Tính từ đầu năm đến nay, Phúc Sinh Consumer đã xuất khẩu khoảng 5.000 thùng (5 container) cà phê K Coffee sang thị trường Mỹ. Năm 2024 dự kiến sẽ xuất khoảng trên 15.000 thùng (15 container) đến các thị Mỹ, châu Âu, Úc – New Zealand, Nhật Bản và sẽ mở rộng ra các thị trường mới ngoài các thị trường đã phân phối.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương