Nghịch lý việc bán "ế" cổ phiếu ESOP của Sữa Quốc tế (IDP)

(Banker.vn) Mặc dù được bán với giá "rẻ như cho" nhưng số lượng cổ phiếu ưu đãi cho người lao động của Sữa Quốc tế IDP vẫn "ế" tới 61%.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có thông báo đã nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của Công ty CP Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP).

Nghịch lý việc bán
Việc cổ phiếu ESOP của IDP bị "ế" có thể đã phần nào phản ánh cách nhìn của người nội bộ đối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Theo báo cáo kết quả phát hành, tổng số cổ phiếu được IDP phân phối là 454.000 cổ phiếu (chiếm 38,5% lượng cổ phiếu chào bán). Như vậy, số cổ phiếu ESOP còn lại chưa phân phối là 725.528 cổ phiếu, chiếm hơn 61,5% số lượng cổ phiếu chào bán. Đối với số cổ phiếu này, IDP quyết định không phân phối tiếp. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 01/03 đến ngày 11/03. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Theo phương án phát hành, ban đầu, IDP dự kiến phát hành 1,179 triệu cổ phiếu, với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu cho người lao động, tương ứng 1,9% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Mức giá này thấp hơn 96% so với thị giá IDP là 253.000 đồng/cổ phiếu.

Việc phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP cho người lao động với giá rẻ hơn thị trường từ lâu đã là hoạt động phổ biến. Việc phát hành này vừa giúp tăng vốn cho công ty, tăng sự gắn kết giữa người lao động với công ty, đồng thời mang đến nguồn lợi như một cách thưởng cho người lao động. Tuy nhiên, việc cổ phiếu ESOP của IDP bị "ế" có thể đã phần nào phản ánh cách nhìn của người nội bộ đối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp sữa này.

Kết quả kinh doanh tốt cùng thị giá cổ phiếu cao, vì sao cổ phiếu ESOP IDP vẫn "khó bán"?

Kết quả kinh doanh của Sữa Quốc Tế trong nhữn năm qua liên tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong giai đoạn từ 2020 - 2023, doanh thu công ty đã tăng gần gấp đôi, từ 3.836 tỷ đồng lên 6.655 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cũng theo đó tăng từ 502 tỷ lên 924 tỷ đồng tại năm 2023. Tương đương với mức tăng khoảng 84% trong 4 năm vừa qua. Tốc độ tăng trưởng của IDP gia tăng nhanh nhất trong giai đoạn sau dịch từ 2020 - 2021.

Về quy mô tài sản, vốn chủ của IDP cũng chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng từ mức 793 tỷ đồng tại năm 2020 đã tăng lên gấp 4 lần tại cuối 2023, chiếm 3.065 tỷ đồng trong tổng cơ cấu nguồn vốn. Lượng nợ ngắn hạn cũng gia tăng từ 1.367 tỷ lên 2.144 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu IDP đã liên tục tăng giá gấp 5 lần trong 3 năm qua. Từ mức 51.400 đồng/cổ phiếu tại đầu năm 2021 lên 253.000 đồng/cổ phiếu tại ngày 22/3/2024.

Nghịch lý việc bán
Cổ phiếu IDP đã liên tục tăng giá gấp 5 lần trong 3 năm qua

Thế nhưng, tình hình kinh doanh của IDP bát đầu có "vấn đề" khi vào thời điểm giữa năm 2023, HĐQT của Sữa Quốc Tế đã phải thông qua việc giải thể công ty con là Công ty CP Đầu tư Green Light (IDP nắm 99,98% vốn điều lệ). Đến thời điểm giải thể, Green Light là công ty con duy nhất của IDP. Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Trụ sở chính đặt tại 217 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM.

Ban đầu IDP đã góp vốn tới 499,9 tỷ đồng trong tổng số vốn điều lệ 500 tỷ đồng tại Green Light. Tuy nhiên, trước sự khó khăn của thị trường bất động sản, IDP đã phải giải thể công ty con này sau 9 tháng thành lập. Tham vọng lấn sân mảng kinh doanh khác của IDP cũng theo đó sụp đổ.

Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông đã phải thông qua phương án chào bán 2,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm bổ sung vốn lưu động và trả nợ vay ngân hàng. Giá bán cổ phiếu không thấp hơn bình quân giá tham chiếu của 20 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày HĐQT thông qua giá chào bán và không thấp hơn giá trị sổ sách tại ngày 31/12/2022 là 30.615 đồng/cp.

Đáng chú ý, theo phương án sử dụng vốn thì trong 471 tỷ đồng thu về từ chào bán lượng cổ phiếu này, IDP sử dụng 230 tỷ đồng để mua nguyên liệu và trả nợ ngân hàng, 41 tỷ còn lại để thanh toán chi phí marketing. Bên cạnh đó, phương án phát hành 1,2 triệu cổ phiếu ESOP với giá rất thấp, chỉ bằng 4% thị giá cũng được thông qua trong ĐHĐCĐ lần này, như đã nêu phía trên dù bán với giá "rẻ như cho" tới người lao động của công ty, cổ phiếu IDP vẫn bị "ế" tới hơn một nửa.

Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội mới công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố tháng 2/2023 (số liệu tính đến hết ngày 29/2/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/3/2024). Theo danh sách này, có 60.751 đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội nợ bảo hiểm với số tiền nợ từ hơn 1 triệu đồng đến hơn 57 tỷ đồng.

Trong đó, báo cáo chỉ rõ Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) hiện đang nợ 18 tỷ đồng cùng số tháng đóng chậm lên tới 26 tháng (hơn 2 năm). Ngoài ra, Công ty CP Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) cũng bị nêu tên trong danh sách trên với tổng số tiền nợ BHXH là 3,9 tỷ đồng trong 1 tháng.

Sữa Quốc tế (IDP) thêm một năm "hào phóng" trả cổ tức

Cổ phiếu IDP chính thức giao dịch trên sàn UpCom từ đầu năm 2021. Nhiều năm qua, IDP liên tục trả cổ tức với mức ...

Sữa Quốc tế (IDP) của Chủ tịch Tô Hải "góp mặt" trong danh sách nợ bảo hiểm đầu năm 2024

Công ty CP Sữa Quốc tế của Chủ tịch Tô Hải “có tên” trong danh sách chậm đóng bảo hiểm tháng 1/2024 của BHXH TP. ...

Sữa Quốc tế (IDP) chuẩn bị phát hành gần 1,18 triệu cổ phiếu ESOP

Mới đây, Công ty CP Sữa Quốc tế (UPCom: IDP) vừa thông báo về kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn ...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán