Nghề ngân hàng trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo

(Banker.vn) Ngày 03/5/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Cơ quan Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Trung ương đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nghề ngân hàng trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo”. Dự hội thảo có đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng; lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; các diễn giả và công chức, viên chức NHNN.
Ngày 03/5/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Cơ quan Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Trung ương đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nghề ngân hàng trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo”. Dự hội thảo có đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng; lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN; các diễn giả và công chức, viên chức NHNN.
 

Toàn cảnh Hội thảo

AI tác động sâu rộng tới nhiều ngành, lĩnh vực

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng cho biết, hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) - một công nghệ đột phá đang tác động sâu rộng tới nhiều ngành, lĩnh vực, các mặt của cuộc sống, công việc, có tiềm năng tái định hình ngành Ngân hàng trong kỉ nguyên số, đưa công cuộc chuyển đổi số của ngành Ngân hàng lên một tầm cao mới.

 


Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo

Sự trỗi dậy của AI, đặc biệt là đột phá AI tạo sinh (Gen AI) mang lại cơ hội to lớn và những thách thức, rủi ro không nhỏ cho kinh tế - xã hội, môi trường công việc. Theo Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, AI ảnh hướng đến 60% việc làm tại các nước phát triển, 40% tại các nước mới nổi và 26% tại các nước nghèo.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI năm 2021 với quan điểm tập trung nguồn lực để tạo ra và phát triển các sản phẩm AI, dịch vụ AI quan trọng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Trong đó, ngành Ngân hàng có nhiệm vụ "Thúc đẩy phát triển và triển khai các ứng dụng AI trong lĩnh vực ngân hàng: Phân tích, dự đoán nhu cầu vay vốn, đối tượng vay vốn, hỗ trợ hoạt động cấp tín dụng; phát hiện các hành vi gian lận; cá nhân hóa các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tức thời cho khách hàng thông qua các trợ lí ảo và chatbot".

Trước bối cảnh và yêu cầu trên, để có thể triển khai hiệu quả các định hướng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, điều quan trọng trước tiên là phải hiểu rõ, nhận thức đúng và có những đánh giá bước đầu về những cơ hội, rủi ro và tác động của công nghệ này mang lại đối với các cơ quan quản lí như NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) và người lao động ngành Ngân hàng để có những ứng xử, hành động phù hợp.

“Tại Hội thảo ngày hôm nay, tôi đề nghị các diễn giả, đại biểu tham dự cùng tham gia trao đổi, chia sẻ, thông tin sâu hơn để làm rõ các tác động, cơ hội, rủi ro đối với hoạt động của ngân hàng trung ương (NHTW), TCTD và người lao động trong ngành. Trên cơ sở đó, xác định được các giải pháp để hạn chế rủi ro, tác động tiêu cực và phát huy thế mạnh của AI, trong đó đặc biệt chú trọng đến giải pháp về đào tạo, đào tạo lại kiến thức, kĩ năng số cho công đoàn viên, người lao động để thích ứng, làm việc hiệu quả trong môi trường làm việc AI ngày càng hiện diện rõ nét hơn”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị.

Tương lai và cơ hội của ngành Ngân hàng là làm việc kết hợp với AI

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) chia sẻ, từ hàng chục năm nay, các quy trình nghiệp vụ và hoạt động nội bộ tại các ngân hàng đã và đang được áp dụng các thuật toán học máy để xử lí. Bằng cách ứng dụng kết hợp giữa AI dự đoán và Gen AI cùng với kiến thức chuyên môn của con người, các TCTD có thể đạt được hiệu quả tăng cường hơn nữa trong các quy trình nội bộ - lớn hơn rất nhiều so với tác động đơn lẻ của AI dự đoán và Gen AI. 


Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) tham luận tại Hội thảo

Các lĩnh vực, nghiệp vụ ứng dụng AI trong ngành Ngân hàng đã được ứng dụng như: Chuyển đổi hoạt động chăm sóc khách hàng; tăng cường quản trị rủi ro/giảm thiểu gian lận; nâng cấp hiệu suất lao động của nhân viên. Trong các NHTW, AI ứng dụng vào việc thu thập thông tin, phân tích kinh tế vĩ mô và tài chính, giám sát hệ thống thanh toán, giám sát và ổn định tài chính.

Ông Lê Anh Dũng cho rằng, có thể Gen AI hiện mới áp dụng vào một số lĩnh vực nhất định, phạm vi hạn chế liên quan đến các nhiệm vụ, chức năng công việc giá trị gia tăng chưa cao, rủi ro thấp bởi còn một số quan ngại, rủi ro. Tuy nhiên, tiềm năng, cơ hội và tác động của Gen AI đến ngành Ngân hàng và môi trường công việc trong tương lai sẽ rất lớn.

Tác động lớn của AI đặt ra vấn đề cần thiết phải đào tạo, đào tạo lại kiến thức, kĩ năng số nói chung và về AI nói riêng. Việc đào tạo cần bắt đầu từ cấp lãnh đạo/thủ trưởng đơn vị cho đến từng cán bộ, công chức, viên chức.

Để có thể tận dụng tốt tiềm năng của công nghệ AI cần tập trung nâng cao khả năng quản trị dữ liệu và kĩ năng làm việc dựa trên dữ liệu; đồng thời, triển khai AI một cách có trách nhiệm, trong đó tập trung vào trách nhiệm của con người, đảm bảo an toàn, bảo mật, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư.

“AI, đặc biệt là Gen AI đang và sẽ tác động tới hầu hết các mặt hoạt động ngân hàng. Tương lai và cơ hội của ngành Ngân hàng là làm việc kết hợp với AI, trong đó con người giữ vị trí trung tâm trong mọi mặt triển khai AI từ thiết kế, thực thi, quản lí, giám sát”, ông Lê Anh Dũng khẳng định.

Giới thiệu về các công cụ Gen AI, ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, Gen AI có một số trường hợp ứng dụng tiêu biểu để tăng năng suất công việc như: Học một chủ đề mới; tóm tắt file pdf; xây dựng phương án tuyển dụng nhân sự; xây dựng bài giảng; xây dựng báo cáo nghiên cứu; xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm cho bài giảng; tổng kết ý kiến góp ý dự thảo thông tư…

Theo ông Nguyễn Trung Anh, việc ứng dụng Gen AI giúp tăng năng suất và rút ngắn thời gian công việc phải làm, có thể lên đến 70%.

Cần thiết phải nâng cao kiến thức về AI

Tại Hội thảo, bà Lê Thị Quyên, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương đã điều phối phiên đối thoại với chủ đề: Sự cần thiết phải nâng cao kiến thức về AI trong xu hướng phát triển của công nghệ tài chính toàn cầu.


Các diễn giả tham gia phiên đối thoại

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Viêt Nam (NAPAS) nêu ví dụ: Trong những năm 1990, khi đó đa phần mọi người đều làm việc thủ công, thì việc ứng dụng máy tính vào trong ngành Ngân hàng với các nghiệp vụ như tiền gửi, tiền vay, thanh toán đã là một đột phá lớn. “Những người lớn tuổi phải học từ cách đánh máy 10 ngón tay. Và bây giờ, việc ứng dụng AI cũng phải bắt đầu như thế. Hiện nay, AI giúp sức rất nhiều trong mọi lĩnh vực. Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải trang bị thêm kiến thức, công cụ về AI để ứng dụng vào công việc hằng ngày”, ông Nguyễn Quang Hưng bày tỏ.

Ông Cao Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) chia sẻ: CIC là đơn vị đầu mối về thu thập, xử lí dữ liệu thông tin tín dụng. Lượng dữ liệu lớn, có thể đứng đầu ngành Ngân hàng, cơ sở dữ liệu gồm trên khoảng 55 triệu khách hàng. Việc khai thác dữ liệu không thể làm thủ công. CIC được đánh giá là đơn vị chuyển đổi số. Hầu hết các quy trình nghiệp vụ, xử lí công việc hằng ngày trên mội trường số. CIC đã xây dựng ứng dụng AI trong mô hình chấm điểm tín dụng. Phiên bản mô hình chấm điểm tín dụng 1.0 được xây dựng đầu tiên từ năm 2017 và đã được nâng cấp thành phiên bản 2.0 vào năm 2021. Ứng dụng này dùng AI phân tích các chỉ số thông tin của khách hàng nhằm tăng độ tin cậy của xếp hạng điểm tín dụng khách hàng hơn, đồng thời mở ra việc đánh giá, chấm điểm với khách hàng chưa từng quan hệ tín dụng. Tất cả dựa trên những thông tin sẵn có và thông tin khách hàng cung cấp để chấm điểm.

Ngoài ra, năm 2022, CIC có 01 đề tài có liên quan đến AI về phân tích dữ liệu của tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, đề tài mới đang dừng ở tài sản là phương tiện vận tải. Đối với các tài sản khác, CIC vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, thực hiện.

“Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ AI tại CIC vẫn còn hạn chế”, ông Cao Văn Bình thẳng thắn nhìn nhận.

Ông Lê Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các TCTD, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) nêu nhận định chung là AI định hình lại thị trường tài chính. Có ba lĩnh vực chính mà AI tác động: Ứng dụng AI trong cách thức cung cấp dịch vụ tài chính, ứng dụng AI trong quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ AI trong thanh tra, giám sát ngân hàng.

Sức mạnh của AI gần như thay sức con người: Xử lí nhanh, chính xác, tiết kiệm; từ đó, nâng cao hiệu quả của thanh tra, giám sát do việc đưa ra quyết định xử lí, phản ứng trước những rủi ro của thị trường một cách nhanh chóng.

Trong thanh tra giám sát: AI phân tích, dự báo rủi ro, nguy cơ một cách sớm hơn, chính xác hơn để các cơ quan quản lí đưa ra các quyết định để ứng phó với các rủi ro, duy trì đảm bảo sự an toàn của hệ thống; cách thức AI tiếp cận thông minh, trực quan. AI có thể truy cập, đưa ra các báo cáo kết quả ngắn gọn, trực quan; rút ngắn thời gian khi xử lí, đồng thời tiết kiệm nguồn lực, chi phí.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã có nhiều trao đổi về tầm quan trọng của AI, ứng dụng AI vào trong công việc hằng ngày cũng như sự cần thiết phải nâng cao kiến thức về AI trong bối cảnh hiện nay.
 
Ly Thuận 
Theo: Tạp chí Ngân hàng