Ngày 14/11, Quốc hội biểu quyết thông qua 3 Luật và thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

(Banker.vn) Bước sang tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, vào sáng 14/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 3 dự án Luật và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức

Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5%

Theo đó, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các dự án Luật: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 14/11
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 14/11

Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước Quốc hội vào ngày 1/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước.

Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…

Hoàng Hà (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục