Một hội thảo do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) được tổ chức vào tháng 4 vừa qua cho thấy khởi sự kinh doanh (KSKD) tại Việt Nam so với trước đây ngày càng được thuận lợi hơn, từ văn bản, chính sách đến thời gian thực hiện đã được rút ngắn. Tuy nhiên, đánh giá khách quan, KSKD vẫn đang trong tình trạng “dễ mà chưa dễ”.
Thành lập doanh nghiệp, gia nhập thị trường thuận lợi nhưng làm sao để doanh nghiệp hoạt động, tồn tại và phát triển được mới là vấn đề.
KSKD vẫn đang trong tình trạng “dễ mà chưa dễ” |
Cải thiện môi trường, tạo thuận lợi cho KSKD
Sự thuận tiện và nhanh chóng trong tiến hành thủ tục KSKD giúp tăng tỷ lệ gia nhập thị trường, kích thích môi trường khởi nghiệp và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn trong nền kinh tế. Nhiều nghiên cứu cho thấy, gánh nặng lớn về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế bị trì trệ, cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, độ hấp dẫn đầu tư thấp... Đó là lý do khiến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang cố gắng cải cách thủ tục KSKD để khuyến khích sự mở rộng của nền kinh tế chính thức, thu hút đầu tư, xóa đói giảm nghèo.
Theo các kết quả điều tra của VCCI, trong nhiều năm liên tục, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, một thủ tục trong KSKD, luôn được doanh nghiệp ở các tỉnh, thành đánh giá là lĩnh vực chuyển đổi nhanh và đều đặn nhất; được kết nối hệ thống thông tin tốt nhất, áp dụng cơ chế liên thông sớm nhất so với các lĩnh vực khác. Và quan trọng hơn cả, đằng sau những tiến bộ này là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy theo hướng phục vụ doanh nghiệp nhiều hơn.
Bên cạnh đó là các tiến bộ gần đây như: Luật doanh nghiệp 2020; Nghị định 122/2020/NĐ-CP phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp; Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài. Các quy định pháp luật này được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mới, thông thoáng hơn nữa trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, KSKD.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) Đinh Tuấn Minh nhận định, thủ tục đăng ký kinh doanh ở Việt Nam đã được rút gọn, cắt giảm nhiều bước. So với trước, quy trình đăng ký thành lập doanh nghiệp đã giảm được 1/2 thủ tục, số đơn vị một doanh nghiệp phải tương tác còn 4 đơn vị, nhiều thủ tục đã được hủy bỏ như: bước làm dấu và thông báo mẫu dấu, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp với phòng đăng ký kinh doanh, thuế môn bài, trình báo sử dụng lao động…
Thành lập dễ nhưng tồn tại khó
Nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nhận định mặc dù đã được cải thiện nhiều song môi trường kinh doanh vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường có tăng nhưng chất lượng và con số trụ lại được rất thấp. Đơn cử như TP.HCM có 500 ngàn doanh nghiệp đã đăng ký thành lập nhưng thực tế chỉ có khoảng một nửa đang hoạt động. Đây cũng là tình trạng tương tự với các địa phương khác.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng các chính sách của Nhà nước đang hướng tới mục tiêu giảm giấy tờ, giảm chi phí, giảm thời gian cho doanh nghiệp, nhưng thực tế vẫn chưa đạt được như ý muốn. Sức sống của doanh nghiệp sau khi thành lập, gia nhập thị trường là thước đo cho sức mạnh của nền kinh tế, mặc dù vậy, số lượng doanh nghiệp thực sự đang hoạt động không cao.
Ông Nguyễn Đình Tuệ đề nghị nên bỏ mã hóa ngành nghề cho doanh nghiệp khi đăng ký vì ghi trên giấy kinh doanh không để làm gì cả; làm mất nhiều thời gian thụ lý, xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Nếu loại bỏ điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực.
Tương tự, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng nêu thực tế là theo quy định, giấy tờ thì các chính sách được thông thoáng, thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây khi doanh nghiệp gia nhập thị trường. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, sau thành lập doanh nghiệp là cả một vấn đề. doanh nghiệp nhỏ, vừa mới bước vào thị trường, sức cạnh tranh còn thấp, lại thiếu thốn rất nhiều, từ nhân lực đến công nghệ, tài chính và đối tác, thị trường… Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, nếu không được hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ rất khó để tồn tại.
“Với những doanh nghiệp đang có thể hoạt động như hiện nay là cả quá trình dài, gian khổ, vật lộn để thích ứng. Chúng tôi mong muốn những chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp và sự hỗ trợ phải đi vào thực chất, không mất thời gian cho các thủ tục phi chính thức” - ông Hưng mong muốn.
Theo nhận định của các chuyên gia, dù đã thuận lợi hơn, song để “mơ” việc đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường, KSDN thuận lợi thực sự thì còn rất nhiều vấn đề. Quá trình thực hiện còn vướng các rào cản, ứng dụng công nghệ, số hóa trong công tác đăng ký, quản lý kinh doanh và doanh nghiệp cần có thêm thời gian.
Theo ông Đinh Tuấn Minh, cần phải xây dựng nền tảng làm đầu mối tiếp nhận thông tin đăng ký doanh nghiệp duy nhất, cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp qua mạng; sắp xếp giao diện để dễ dàng truy xuất từng loại hình doanh nghiệp và thủ tục cụ thể, có thể áp dụng phương thức xác thực thông tin cá nhân thông minh, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Việt Nam thuộc top các thị trường đầu tư mạo hiểm triển vọng nhất khu vực ASEAN Theo đánh giá của NIC và Do Ventures, hệ sinh thái mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á thời gian qua đã chứng kiến ... |
Startup vội vàng phát triển mô hình kinh doanh theo chuỗi: "Con dao hai lưỡi" Ở giai đoạn đầu, startup không nên vội vàng phát triển mô hình kinh doanh theo chuỗi, bởi để thành công còn cần nhiều ... |
3 cách đơn giản giúp các nhà lãnh đạo vượt qua khó khăn và đạt được thành công Tất cả nhà lãnh đạo của những phong trào làm thay đổi thế giới, từ Martin Luther King Jr. cho đến Steve Jobs, đều trải ... |
Anh Khôi
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|