Hàng hóa của các hợp tác xã mới chiếm 3% doanh số trong kênh phân phối hiện đại

(Banker.vn) Trong các kênh phân phối hiện đại, hàng hóa của các hợp tác xã (HTX) mới chiếm 3% tổng doanh số, các HTX mới tập trung bán hàng trên kênh phân phối truyền thống
Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lao động hợp tác xã Phát động phong trào khởi nghiệp hợp tác xã, xúc tiến thương mại Đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại Bộ Công Thương nỗ lực đưa sản phẩm của đồng bào DTTS miền núi vào kênh phân phối

Con số được đưa ra tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm” diễn ra sáng 11/4. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đồng chủ trì Diễn đàn.

Kinh tế tập thể, HTX là “hơi thở” của chuỗi giá trị

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - cho biết, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các HTX. Và ngược lại, kinh tế tập thể, HTX cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn

Không chỉ ở nông nghiệp, việc tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế tất yếu của kinh tế tập thể, HTX ở những lĩnh vực khác. Và những HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, môi trường, thính ứng cao và chống chịu cao, giúp chuỗi giá trị phát triển bền vững trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài.

Vì vậy, ở cấp độ quốc gia, địa phương phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển chuỗi giá trị bền vững.

“Câu chuyện sản xuất theo chuỗi giá trị không phải là yêu cầu mới. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, HTX là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững”, bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Ở cấp độ HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác, để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững đòi hỏi sự đổi mới tư duy, đảm bảo liêm chính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Liên kết phát triển phù hợp với xu thế phân phối hiện đại

Về phát triển liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, mặc dù, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị, tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất khó thực hiện liên kết do không tìm được HTX nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên doanh nghiệp phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) – cho hay, trong lĩnh vực thương mại hiện đại, số lượng các nhà phân phối HTX còn ít. Theo ước tính, hàng hóa của các HTX mới chỉ chiếm 3% trong tổng doanh số trong kênh phân phối hiện đại, các HTX mới tập trung bán hàng trên kênh phân phối truyền thống.

Ngoài ra, quy mô sản xuất của một số HTX vẫn còn nhỏ lẻ, chưa gắn được với xu hướng phát triển của thị trường, các sản phẩm của các tổ chức HTX tuyệt đại đa số là những sản phẩm cung ứng trong phạm vi địa lý hẹp và chưa đáp ứng cho thị trường phân khúc cao.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết trong giai đoạn 2018 - 2022 chỉ đạt 6,4% (1.250/19.431 HTX); tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ theo liên kết còn hạn chế, có 7/13 nhóm sản phẩm có tỷ lệ tiêu thụ dưới 20%. Việc liên doanh liên kết giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác còn rất ít, ngay cả việc hợp tác của các HTX với nhau cũng chưa được chú trọng khai thác và tận dụng đúng mức.

Để không bị tụt hậu, ông Đức cho rằng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, nhà phân phối, các HTX cần quan tâm nắm bắt 4 xu hướng.

Thứ nhất, phát triển nhanh của thương mại hiện đại so với thương mại truyền thống với những chuẩn mực đặc thù. Thứ hai, sự phát triển nhanh của thương mại điện tử và các nền tảng bán hàng không thông qua cửa hàng vật lý. Theo đó, để đáp ứng những yêu cầu mới trong lĩnh vực thương mại điện tử và bán hàng không thông qua cửa hàng, việc thay đổi tiêu chuẩn nông sản phù hợp là lựa chọn quan trọng của các tổ chức HTX, các nhà sản xuất hàng hóa nông sản.

Thứ ba, nền tảng công nghệ, khoa học kỹ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển cuỗi cung ứng và nâng cao giá trị sản phẩm. Thứ tư, xu hướng liên kết mở, cùng chia sẻ và phát triển dựa trên năng lực cạnh tranh cốt lõi của cá thể. Theo đó, hàng loạt mô hình kinh tế mới được xuất hiện dựa trên nền tảng kỹ thuật số, trong đó phổ biến nhất là mô hình kinh tế chia sẻ “sharing”, được phát triển nhờ việc đóng góp thành cộng đồng chung và chia sẻ nền tảng nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng, tạo nên lợi ích chung và lợi ích riêng.

Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chuẩn mực và giá trị sản phẩm nông sản, phát triển phù hợp với xu thế phân phối hiện đại trong việc liên kết phát triển chuỗi cung ứng nông sản trên nền tảng kinh tế thị trường, ông Đức kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện những cơ chế chính sách đảm bảo đồng bộ trong việc tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển, đặc biệt là các tổ chức HTX tham gia vào các khâu của chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản.

Đồng thời, kêu gọi các tổ chức HTX cùng hợp tác, với sự chủ trì của Liên minh HTX các cấp, để hình thành các tổ chức “nhóm liên minh”, “liên đoàn” nhằm hợp lực, gia tăng sức mạnh đàm phán của các tổ chức HTX và kết nối các chuẩn mực. Nhóm các HTX nhỏ, sản phẩm OCOP theo tính chất hoạt động trong một liên minh sẽ nâng cao tính hiệu quả trong quá trình đàm phán với các nhà phân phối. Xây dựng mô hình “Liên đoàn HTX” để gia tăng sức mạnh các tổ chức HTX cùng ngành nghề;…

Tại Diễn đàn, ông Trần Hồng Thái - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - nhìn nhận, trình độ khoa học công nghệ trong nông nghiệp của Việt Nam còn thấp và chậm phát triển, có khoảng cách khá xa so với thế giới và khu vực, với hiện trạng hiện tại phần lớn chưa thể tiếp cận được nền nông nghiệp 4.0.

Năng lực nghiên cứu khoa học của các HTX còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các vùng miền, đặc biệt công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại các tỉnh miền núi còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả.

Đáng chú ý, số lượng HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn thấp, hiện chỉ chiếm 9,37% tổng số HTX nông nghiệp. Tính đến tháng 12/2021, chỉ có 1.718 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao.

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ đối với các HTX, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng cần tăng tỷ trọng đầu tư cho các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển HTX, ưu tiên hỗ trợ các HTX nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong sản xuất.

Đồng thời, tăng cường hoạt động liên kết trong nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo giữa các HTX và các viện nghiên cứu, trường đại học để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn cung công nghệ trong nước, tăng cường khả năng hấp thụ, làm chủ và phát triển công nghệ của các HTX;…

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương