Hai kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp

(Banker.vn) Sáng nay (15/7), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”. Tại hội thảo, CIEM đã công bố báo cáo kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm, đồng thời đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng cả năm 2021.

Tăng trưởng 6 tháng: Thấp hơn kỳ vọng

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM – cho rằng: Bối cảnh kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 không hề dễ dàng so với năm 2020. Từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam trải qua 2 đợt dịch Covid-19, trong đó đợt dịch từ cuối tháng 4/2021 với những diễn biến vô cùng phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện dịch Covid-19 đã xuất hiện tại nhiều khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn, gây ra khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và cả năm 2021.

Trước những diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ mới đã ban hành nhanh chóng và bắt tay vào điều hành phát triển kinh tế-xã hội, nhằm thực hiện “mục tiêu kép”. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn đạt 5,64%. Thấp hơn mục tiêu và các kỳ vọng được dự báo trước đó, nhưng đây vẫn được các chuyên gia kinh tế đánh giá là mức tăng trưởng khá tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), tốc độ tăng trưởng vào quý II/2021 và 6 tháng đầu năm cho thấy sự phục hồi nhanh của nền kinh tế so với các quý gần đây và so với các quốc gia châu Á, đây là yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư nước ngoài chú ý hơn đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, ông Nguyễn Anh Dương cũng cho rằng: Tốc độ tăng trưởng GDP vẫn tiềm ẩn những rủi ro, sự suy giảm ở cả các yếu tố của tiêu dùng cuối cùng. Bên cạnh đó, thời gian qua, mức lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng chưa đủ kích thích tiêu dùng và sản xuất phát triển. Cùng đó, khu vực doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn hơn do đã trải qua hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh Covid-19.

GDP cả năm khó đạt 6,5%

Dựa vào tình hình kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2021 và diễn biến của dịch bệnh Covid-19, CIEM đã dự báo 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Trong đó, kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất, kinh tế ở mức bình thường thì tăng trưởng GDP có thể đạt 5,9%; lạm phát bình quân 2,6%; tăng trưởng xuất khẩu 16,4% và cán cân thương mại (tỷ USD) 4,2%.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021 thì tăng trưởng GDP đạt 6,2%; lạm phát bình quân 2,8%; tăng trưởng xuất khẩu 18,3% và cán cân thương mại (tỷ USD) là 5,4%. Như vậy, cả 2 kịch bản trên đưa ra thì tăng trưởng GDP đều không đạt được mục tiêu Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 01 là 6,5%.

Theo các chuyên gia kinh tế của CIEM, triển vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: Khả năng kiểm soát dịch; tiến độ giải ngân đầu tư công; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số; khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA mới; bảo đảm cơ hội cho lao động nữ.

Trước những thách thức trên, bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy cải cách đủ sâu rộng để phục hồi tăng trưởng một cách bền vững. Trong đó, cần tập trung 3 ưu tiên quan trọng, đó là: Thứ nhất, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững. Thứ hai, thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học-công nghệ hướng tới kinh tế số; trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất lao động.

Bên cạnh các ưu tiên trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, thì vấn đề tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng cần được Chính phủ đặc biệt quan tâm từ nay đến cuối năm.

Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh, bền vững. Chương trình được thực hiện trong thời gian 4 năm, từ 2017 đến 2021.

Nguyễn Hòa

Theo Báo Công thương

Theo: Báo Công Thương