Giảm gần 1 triệu thùng/ngày, sản lượng dầu thô của OPEC+ ở mức thấp nhất từ tháng 8/2021

(Banker.vn) OPEC+ đã cắt giảm sản lượng dầu thô của mình xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm vào tháng 7/2023 do việc cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabica có hiệu lực.
OPEC: Duy trì sản lượng dầu thô không nhằm chống lại nước nào OPEC quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô đến hết tháng 3/2021

Thông tin mới nhất từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), theo một cuộc khảo sát của S&P Global Commodity Insights, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng dầu thô của mình xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm vào tháng 7/2023 do việc cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabica có hiệu lực. Cam kết cắt giảm mới nhất của Saudi cũng như sự gián đoạn ở Kazakhstan và Nigieria đã bù đắp cho mức tăng ở Iran và Iraq, góp phần làm sản lượng của OPEC+ giảm gần 1 triệu thùng/ngày so với tháng 6.

Giảm gần 1 triệu thùng/ngày, sản lượng dầu thô của OPEC+ ở mức thấp nhất từ tháng 8/2021
Sản lượng của OPEC+ giảm gần 1 triệu thùng/ngày

Cuộc khảo sát cho thấy 13 thành viên của OPEC đã bơm 27,34 triệu thùng/ngày trong khi Nga và 8 đồng minh khác bổ sung 13,06 triệu thùng/ngày, dẫn đến tổng sản lượng đạt 40,4 triệu thùng/ngày. Đó là mức thấp nhất của nhóm kể từ tháng 8/2021, khi các đợt cắt giảm lớn được thực hiện trong đại dịch vẫn chưa được gỡ bỏ.

Sản lượng của Saudi trong tháng trước đã giảm xuống 9,05 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021. Tuy nhiên, sản lượng không giảm mạnh như cam kết, chỉ thấp hơn 940.000 thùng/ngày so với tháng 6.

Bù đắp một phần cho sụt giảm của Saudi là sự gia tăng sản lượng từ Iran và Venezuela. Theo khảo sát, sản lượng của Iran đạt 2,76 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Trong khi đó, sản lượng của Venezuela đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2019 ở mức 810.000 thùng/ngày.

Đối với giá dầu, vào phiên đóng cửa sáng nay (5h sáng theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI tăng 1,2% lên sát mốc 83 USD/thùng. Dầu Brent tăng gần 1% lên mức 86,17 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent đạt trung bình 86 USD/thùng trong nửa cuối năm nay, tăng 7 USD/thùng so với báo cáo tháng 7. Lo ngại nguồn cung sụt giảm trước tác động của Saudi Arabia là nhân tố chính sẽ kéo tồn kho giảm và thúc đẩy đà tăng giá.

EIA cũng dự báo thị trường sẽ thiếu cung khoảng 640.000 thùng/ngày trong quý III và 120.000 thùng/ngày trong quý IV. Mức thâm hụt này mặc dù đã được điều chỉnh thu hẹp hơn so với 1 triệu thùng/ngày quý III và 380.000 thùng/ngày quý IV trong báo cáo tháng trước, nhưng việc duy trì quan điểm thị trường thâm hụt nửa cuối năm vẫn sẽ thúc đẩy giá dầu trong ngắn hạn.

Phương Lan

Theo: Báo Công Thương