Gia tăng cơ hội xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu sang Tây Ban Nha

(Banker.vn) Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha đã trực tiếp kết nối với doanh nghiệp nước này để tìm hiểu nhu cầu thị trường, đề xuất các giải pháp xúc tiến xuất khẩu...
Mặt hàng nào giúp Việt Nam xuất siêu sang Tây Ban Nha? EVFTA: "Chất xúc tác" thúc đẩy thương mại Việt Nam - Tây Ban Nha Gia tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Tây Ban Nha

Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, vừa qua, trong các ngày từ 18 - 21/3/2024 tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha đã diễn ra Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế 2024 (Alimentaria 2024, www.alimentaria.com).

Hội chợ là nơi hội tụ của gần 2.900 doanh nghiệp lớn nhỏ chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng như các công nghệ chế biến và đóng gói sản phẩm đến từ tất cả các khu vực thị trường thế giới.

Tham dự Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế 2024, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã trực tiếp kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp của Tây Ban Nha để tìm hiểu nhu cầu thị trường hiện hành, từ đó đưa ra các giải pháp xúc tiến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam...

Gia tăng cơ hội xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu sang Tây Ban Nha
Gia tăng cơ hội xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu sang Tây Ban Nha
Tham dự Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế 2024, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã trực tiếp kết nối kinh doanh, đề xuất giải pháp xúc tiến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam...

Nhân hội chợ lần này, Thương vụ cũng đã giới thiệu, quảng bá về các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tại Việt Nam trong thời gian tới; trong đó chú trọng quảng bá giới thiệu về sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024) do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức từ ngày 6 - 8/6/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế 2024, Thương vụ cũng đã gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam tham gia gian hàng và có buổi trao đổi với đại diện Ban tổ chức để phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể thời gian tới và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị tham gia hiệu quả tại kỳ hội chợ Alimentaria 2026.

Gia tăng cơ hội xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu sang Tây Ban Nha
Để thúc đẩy hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Tây Ban Nha nhiều hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Ảnh minh họa

Tây Ban Nha là thị trường tiêu thụ lớn cho tất cả các ngành hàng tiêu dùng xuất khẩu của Việt Nam vì quy mô dân số đông trên 47 triệu người và thu nhập bình quân khá cao (khoảng 36,7 ngàn USD/năm). Không những vậy, Tây Ban Nha cũng là thị trường ngách giàu tiềm năng cho tiêu thụ nội địa trực tiếp các sản phẩm nông, thủy sản và rau quả nhiệt đới của Việt Nam, nhất là các sản phẩm trái vụ và các sản phẩm thô là đầu vào phù hợp cho nền công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu rất phát triển tại Tây Ban Nha.

Ông Vũ Chiến Thắng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha - cho biết, Tây Ban Nha là thị trường hàng năm thu hút bình quân trên 80 triệu lượt khách quốc tế với công nghiệp dịch vụ du lịch, cơ sở nghỉ dưỡng và ẩm thực hàng đầu châu Âu... Do đó, đây là cơ hội thị trường cho các ngành hàng du lịch (bao gồm túi xách, vali, ví, mũ, ô, dù; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây, tre, cói, thảm), dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thực phẩm nguyên liệu, cà phê và sản phẩm gia vị của Việt Nam.

Để thúc đẩy hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Tây Ban Nha nhiều hơn nữa, ông Thắng khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường và thường xuyên cập nhật các quy định, chính sách mới của nước sở tại để chủ động các kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như xuất khẩu.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, Thương vụ khuyến nghị cần tăng cường phối hợp với Thương vụ trong công tác xác minh đối tác sở tại (về tư cách pháp nhân, năng lực tài chính, cơ sở vật chất, yêu cầu sản phẩm, chất lượng, thị trường tiêu thụ - kênh phân phối và uy tín) trước khi đi đến đàm phán ký kết hợp đồng ngoại thương để trách tình trạng bị “lừa đảo, chiếm đoạt hàng hóa, chiếm dụng vốn, trây ì hay không thanh toán tiền hàng…”. Thực tế, thời gian qua, Thương vụ đã hỗ trợ một số doanh nghiệp ta trong xử lý các vụ việc liên quan đến vấn đề thanh toán các lô hàng điều nhân và hạt tiêu đen xuất khẩu sang Tây Ban Nha.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương