Doanh nghiệp FDI đóng vai trò tiên phong trong hiện thực hóa Chiến lược tăng trưởng xanh

(Banker.vn) Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp FDI đã có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh như sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu khí thải, thực hiện ESG,…

Doanh nghiệp FDI phải tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh

Sáng ngày 19/3 tại Hà Nội, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Tổ chức tài chính quốc tế và Ngân hàng thế giới đã được tổ chức với chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh”.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Mục tiêu chung là nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

toan-canh-hoi-nghi-s.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược đã xác định rõ tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn.

Tăng trưởng xanh lấy con người làm trung tâm, dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.

Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường…, các doanh nghiệp FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh.

“Doanh nghiệp FDI phải tiên phong hiện thực hóa các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng ESG trong sản xuất, kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Có thể thấy, những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp FDI đã có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh như sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu khí thải, thực hiện ESG,…

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, ưu tiên hàng đầu của EuroCham là thúc đẩy các chiến lược tăng trưởng xanh, chẳng hạn như cải thiện quản lý chất thải, nâng cao nhận thức cộng đồng và tiên phong trong các giải pháp chống ô nhiễm nhựa. Các sáng kiến chính do cơ quan này đề xuất để đạt được điều này bao gồm ưu đãi thuế để thưởng cho các hoạt động kinh doanh bền vững và sử dụng nhựa thải tái chế trong các dự án xây dựng đường bộ.

Ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) khẳng định, JCCI cam kết hỗ trợ đầy đủ cho mục tiêu giảm phát thải cacbon của Chính phủ Việt Nam đặt ra đến năm 2050.

“Nhật Bản sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng “thực tế” để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 mà không làm cản trở tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Quá trình hợp tác này dựa trên khái niệm AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á). Cùng với AZEC, khu vực tư nhân Nhật Bản cũng sẵn sàng đóng góp vào công cuộc chuyển đổi xanh thông qua công nghệ giảm phát thải cacbon, đầu tư và tài chính”, ông Muto Shiro nói.

Theo đó, năm ngoái, JCCI đã thành lập Nhóm công tác thúc đẩy Chuyển đổi xanh/AZEC để thúc đẩy các dự án cụ thể trong lĩnh vực này và chia sẻ thực tiễn tốt nhất với các bộ liên quan.

Nhận diện thách thức nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy FDI tại Việt Nam

Đại diện cho các cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều đánh giá cao những thay đổi tích cực trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam những năm qua, cũng như sự hỗ trợ không ngừng cho các doanh nghiệp FDI từ phía Chính phủ, bất chấp những thách thức do khó khăn kinh tế toàn cầu đặt ra. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, vẫn còn nhiều điểm bất cập cần tháo gỡ để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), ông Joseph Uddo, Chủ tịch AmCham Hà Nội cho biết, các thành viên Amcham phải đối mặt với sự chậm trễ trong thủ tục phê duyệt và các gánh nặng hành chính tốn thời gian. Điều này gây cản trở hoặc đình trệ các dự án của họ và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Trong khi đó, ông Gabor Fluit, đại diện cho Eurocham chỉ ra rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam bị chậm lại do thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chưa rõ ràng, cơ sở hạ tầng cũ, hợp đồng mua bán điện còn nhiều điểm chưa rõ, trì hoãn truyền tải, giá cả không cạnh tranh và thiếu nguồn lực tài chính.

“Dù đã có những bước tiến tích cực trong việc thực thi Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP), những vấn đề này ảnh hướng đến an ninh năng lượng. Để khắc phục những vấn đề này, chúng tôi ủng hộ một cách tiếp cận toàn diện để tăng hiệu quả, áp dụng năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư tư nhân để hiện đại hóa mạng lưới điện”, đại diện Eurocham nói.

Ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (Britcham) cũng đánh giá cao những nỗ lực và tiến bộ của Chính phủ Việt Nam trong cải cách hành chính.

Tuy nhiên, đại diện Britcham cho rằng, vẫn cần những động thái mạnh mẽ hơn để phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn. Cụ thể: Tăng cường Chính phủ điện tử trong quản lý các hoạt động xúc tiến và thông báo; đơn giản hóa thủ tục và thời gian cấp giấy phép kinh doanh; thống nhất giữa các quy định của trung ương và địa phương; bỏ yêu cầu phê duyệt trước quảng cáo, chuyển sang kiểm soát sau thị trường.

Để nâng cao hơn nữa mục tiêu đạt được nền kinh tế bền vững, ông Muti Shiro đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản khuyến nghị 3 điểm quan trọng:

Thứ nhất, sớm xây dựng khung pháp lý và các hướng dẫn thực hiện cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển điện lực, bao gồm quy định liên quan đến việc sử dụng vùng biển cho các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn, nới lỏng điều kiện cho Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) trong các dự án năng lượng tái tạo và xem xét cơ chế định giá hiện tại đối với sản xuất điện sinh khối/điện rác.

Thứ hai, đảm bảo tiến độ triển khai Quy hoạch điện VIII (PDP8).

Thứ ba, đảm bảo môi trường hấp dẫn “có khả năng huy động vốn” để thu hút vốn đầu tư dài hạn vào phát triển cơ sở hạ tầng, cụ thể là bằng việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật PPP để nâng cao khả năng huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, nền kinh tế tuần hoàn trong đó toàn xã hội nêu cao tinh thần trách nhiệm về chi phí tái chế và việc xây dựng hướng dẫn thực hiện chi tiết về EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) cũng là những điều kiện cần khác.

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ