Đấu thầu vàng ế ẩm: Giá khởi điểm quá cao sẽ phản tác dụng?

(Banker.vn) Giới chuyên gia đánh giá, giá khởi điểm đấu thầu vàng miếng SJC cao hơn giá thị trường không chỉ làm doanh nghiệp chán nản, thờ ơ mà còn gây phản tác dụng.
Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng, rà soát việc chung cư tăng giá Bất ngờ hoãn đấu thầu bán vàng miếng, vì sao? Giá vàng chiều nay 6/5/2024: Vàng SJC trụ vững trên đỉnh 86 triệu đồng/lượng

Trong 4 lần Ngân hàng Nhà nước đấu thầu, có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Chỉ duy nhất phiên đấu thầu ngày 23/4 tương đối thành công, nhưng cũng chỉ có 2 doanh nghiệp bỏ giá dự thầu với khối lượng khoảng 20% tổng số lượng vàng chào thầu, tương đương 3.400 lượng vàng trên 16.800 lượng vàng được đưa ra.

Trước đó ngày 3/5, theo thông báo Ngân hàng Nhà nước tổng khối lượng vàng miếng dự kiến được đấu thầu là 16.800 lượng vàng miếng SJC do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất. Cơ quan này công bố mức sàn để các đơn vị trả giá là 82,9 triệu đồng/lượng, cao hơn giá SJC mua vào từ người dân 900.000 đồng mỗi lượng và rẻ hơn giá doanh nghiệp này bán ra gần 1,6 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ có 1 đơn vị duy nhất nộp phiếu tham dự, do đó phiên đấu thầu tiếp tục bị hủy.

Doanh nghiệp không mặn mà đấu thấu vàng, chuyên gia nói gì?
Ngân hàng Nhà nước 4 lần gọi thầu nhưng đến 3 lần huỷ và 1 lần đấu “ế”. Ảnh: Cấn Dũng

Tuy nhiên, sau thông báo huỷ thầu lần 3, giá vàng miếng SJC không những không hạ nhiệt mà bất ngờ tăng mạnh chinh phục thêm mốc lịch sử. Theo ghi nhận ngày 6/5 giá vàng trong nước tiếp tục tăng cao, lập kỷ lục mới hơn 86 triệu đồng/lượng.

Đằng sau loạt kết quả đấu thầu trầm lắng và diễn biến trái ngược của giá vàng trong nước, một số chuyên gia kinh tế gạo cội đã đưa ra những nhận định của mình.

Chia sẻ với Báo Công Thương, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, việc đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường nhưng ngay từ điều kiện ban đầu không hợp lý.

Ông Long cho rằng, mức giá tham chiếu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra quá cao so với nhu cầu thị trường hiện nay. Lấy ví dụ, giá tham chiếu ngày 22/4 là 81,8 triệu đồng/lượng và ngày 25/4 tăng lên 82,3 triệu đồng/lượng. Mức giá này không chênh lệch nhiều so với giá mà các doanh nghiệp đang mua vào trên thị trường, nên rõ ràng không thể giúp kéo được giá vàng trong nước đi xuống.

Việc 80% lượng vàng đấu thầu phiên đầu tiên bị ế ẩm là vấn đề đáng suy nghĩ. Doanh nghiệp đã kinh doanh phải tính đến lợi nhuận. Nếu trúng thầu, doanh nghiệp phải bán cao hơn mức giá trúng thầu. Như vậy, với mức giá khởi điểm tương đối cao đang đưa ra, đấu thầu không những không hạ nhiệt được giá vàng trong nước mà thậm chí còn là tác nhân đẩy giá lên cao hơn", ông Long chia sẻ.

Trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh như hiện nay, việc trữ một khối lượng vàng giá cao vô cùng rủi ro. Khối lượng đặt thầu cho một đơn vị lên tới 1.400 lượng với giá cọc ban đầu tương đương phải bỏ ra tầm 100 tỷ đồng. Việc bỏ ra lượng vốn hơn trăm tỷ đồng để "ôm" lượng vàng lớn trong khi không đảm bảo được đầu ra khiến nhiều doanh nghiệp e ngại.

Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vàng đều tuân thủ nguyên tắc mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, bởi giá vàng tăng - giảm liên tục, do đó việc trữ một khối lượng vàng giá cao trong bối cảnh hiện nay là vô cùng khó khăn. Thêm nữa, nếu sau khi đấu thầu không đủ vàng, Ngân hàng Nhà nước được quyền hủy kết quả, như vậy, rủi ro đối với các đơn vị đấu thầu là rất lớn.

Theo chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh Ngoại hối, Luật Ngân hàng Nhà nước… mà không nên tham gia sản xuất kinh doanh hay điều tiết thị trường vàng, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

Việc Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện chức năng sản xuất và kinh doanh vàng, vừa thực hiện chức năng bình ổn thị trường vàng dẫn tới mâu thuẫn về mục tiêu và vai trò quản lý Nhà nước. Việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC mặc dù chất lượng như nhau”, ông Long nêu quan điểm.

Tương tự, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để ổn định thị trường vàng, cần phải sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, trong đó có hai điều cần phải sửa đổi. Thứ nhất, là loại bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia SJC để có thể tạo ra thị trường vàng cạnh tranh, công bằng hơn với tất cả các sản phẩm khác.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng uy tín và rút lui về vai trò quản lý chứ không phải nhà nhập khẩu vàng. Đi kèm với các áp đặt cho mỗi nhà kinh doanh vàng, ngân hàng nhà nước vẫn sẽ kiểm soát được lượng ngoại tệ bỏ ra để mua vàng.

Việc này sẽ tạo ra được nguồn cung trên thị trường dồi dào và ổn định hơn. Bên cạnh đó, cũng cần thiết sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP hướng tới thành lập sàn giao dịch vàng để mọi hoạt động mua bán vàng trở nên công bằng, rõ ràng hơn.

Theo: Báo Công Thương