Đau nửa đầu bên trái có nguy hiểm?

(Banker.vn) Đau nửa đầu bên trái là triệu chứng khá phổ biến, gặp ở 12 - 28% dân số, tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý về hệ thần kinh, não bộ.
Cách phòng chống và cải thiện cơn đau nửa đầu hiệu quả Bị ho, sốt, đau đầu: Người dân không tự ý xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà

Dấu hiệu và nguyên nhân

Bệnh đau nửa đầu bên trái là một trong những triệu chứng của đau nửa đầu migraine. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức ở bên trái đầu và cơn đau có tính chất chu kỳ (vài lần theo tuần/tháng/năm).

Đau nửa đầu bên trái có nguy hiểm?
Đau nửa đầu bên trái là triệu chứng khá phổ biến. Ảnh: BookingCare

Theo bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng: Đau nửa đầu migraine là bệnh dễ gặp và dễ tái phát. Đặc điểm của cơn đau nửa đầu là đau theo nhịp mạch. Cường độ cơn đau thay đổi từ nhẹ, thoáng qua cho đến đau dữ dội. Đôi khi xuất hiện đau nửa đầu bên phải hoặc có thể là đau nửa đầu bên trái, đau cả hai bên đầu hoặc luân chuyển bên này bên kia theo chu kỳ. Cơn đau nửa đầu migraine có thể kéo dài trong nhiều giờ hoặc cũng có khi lên đến 2-3 ngày. Đối tượng bị bệnh thường gặp là phụ nữ từ 30 - 45 tuổi.

Mặc dù nguyên nhân gây ra bệnh đau đầu migraine chưa được xác định rõ nhưng một số nghiên cứu cho thấy cơn đau đầu dữ dội có thể xuất phát từ việc chức năng não bị rối loạn, do các mạch máu não giãn nở và giải phóng các chất serotonin, dopamin.

Bên cạnh đó, một số yếu tố cũng khiến bệnh dễ xảy ra như: Thần kinh bị căng thẳng, mất ngủ; thời tiết thay đổi; môi trường sống nhiều tiếng ồn, có ánh sáng chói, khói thuốc lá, một số mùi hương nồng nặc như nước hoa đậm đặc; người bệnh đã từng bị chấn thương đầu…

Với các đặc điểm và triệu chứng lâm sàng nêu trên, bệnh đau đầu migraine dễ chẩn đoán nhưng thường bị nhầm lẫn với bệnh đau đầu do căng thẳng, thiếu máu não, hoặc rối loạn tiền đình... Vì vậy, khiến cho việc điều trị kém hiệu quả, bệnh dễ tái phát và nặng hơn, khó điều trị.

Cách điều trị

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi gặp cơn đau nửa đầu, người bệnh nên nghỉ ngơi trong phòng tối hoặc dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, paracetamol...

Nếu cơn đau nghiêm trọng kèm theo các triệu chứng khác, người bệnh có thể phải được can thiệp cấp cứu, giảm đau nhanh bằng thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau. Riêng trường hợp đau đầu cụm cần điều trị bằng liệu trình thở oxy cao áp.

Về điều trị căn nguyên, hiện nay chưa có rõ nguyên nhân gây ra đau nửa đầu bên trái nên chủ yếu điều trị tối ưu vẫn là giảm nhẹ triệu chứng và giảm tái phát. Tuỳ thuộc vào tần suất và cường độ cơn đau mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị cụ thể. Một số nhóm thuốc dùng để điều trị đau nửa đầu gồm:

Thuốc giảm đau: Có thể sử dụng ngay khi cơn đau đầu xảy ra để nhanh hết đau.

Thuốc ngăn ngừa diễn tiến của bệnh được dùng hàng ngày, kéo dài trong nhiều tuần để giảm tần suất và độ nặng của chứng đau đầu như thuốc ức chế beta, thuốc ức chế canxi, thuốc chống động kinh hoặc thuốc chống trầm cảm...

Ngoài ra, việc sử dụng các vị thuốc nam, thảo dược có tác dụng tưới máu đến các vùng não hoạt động kém cũng đem lại hiệu quả đáng kể cho người bệnh khi chữa đau nửa đầu.

Bên cạnh đó cũng có một số biện pháp khác giúp kiểm soát và phòng ngừa đau nửa đầu trái bao gồm: Thư giãn cơ thể và thoải mái tinh thần nhằm giảm yếu tố kích hoạt đau nửa đầu trái; tránh dùng thực phẩm gây kích thích đau đầu như caffeine, rượu, phô mai; cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày (ít nhất 2 lít/ ngày).

Các cơn đau nửa đầu thường ảnh hưởng đến sức khỏe hay hoạt động sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Hơn nữa, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì tình trạng đau sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến các biến chứng gây nguy hiểm như: Trầm cảm; nhồi máu cơ tim; đau đầu do lạm dụng thuốc; loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa; hội chứng serotonin - co giật, nhịp tim đập không đều, thậm chí có thể tử vong.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương