Đắk Lắk: Quyết tâm đưa TP. Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới

(Banker.vn) Phát triển TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; gắn với phát triển du lịch sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương.
Nhu cầu cà phê tại Mỹ tăng mạnh: Cơ hội gì cho cà phê Việt Nam? Giá cà phê hôm nay, 26/4/2024: Giá cà phê trong nước vượt 132.000/kg Đắk Lắk: Khai mạc Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên

Sáng ngày 26/4, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất, nhập khẩu vùng Tây Nguyên. Tham dự và đồng chủ trì hội nghị có ông Vũ Bá Phú, Cục Trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Đắk Lắk: Quyết tâm đưa TP. Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Trường Minh)

Hội nghị đã thu hút khoảng 200 đại biểu tham dự là lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Tây Nguyên, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh trong và ngoài nước, các doanh nghiệp sản xuất, xuất, nhập khẩu, thương mại,...

Đắk Lắk: Quyết tâm đưa TP. Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trường Minh)

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, tỉnh Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của cả vùng Tây Nguyên, là điểm đến không thể không nhắc đến khi nói về cà phê Việt Nam. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh, cà phê ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Đắk Lắk: Quyết tâm đưa TP. Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới
Ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột phát biểu tham luận. (Ảnh: Trường Minh)

Lý do Đắk Lắk được gọi là thủ phủ cà phê Tây Nguyên, theo ông Nguyễn Tuấn Hà, bởi diện tích cà phê hiện nay đạt 212.915 ha, sản lượng đạt trên 558.729 tấn/năm, cây cà phê không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội mà còn có ý nghĩa to lớn về văn hóa, du lịch. Quá trình phát triển ngành cà phê kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, văn hóa bản địa, đã thu hút ngày càng tăng lượng du khách đến thăm quan.

Thời gian qua, để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê phục vụ xuất khẩu và nâng cao đời sống của nhân dân, các cấp ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, như đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận 4C, UTZ Certifed, RFA, FLO; sản xuất cà phê có chỉ dẫn địa lý và tiếp tục chương trình tái canh cà phê, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích tái canh hơn 24,4 nghìn ha,…

Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm cà phê. Qua đó, Đắk Lắk hiện có 209 cơ sở chế biến cà phê, sản lượng chế biến hàng năm khoảng 496 nghìn tấn, gồm cà phê nhân 455 nghìn tấn, cà phê bột 31 nghìn tấn và cà phê hòa tan 10 nghìn tấn. Trong niên vụ cà phê 2022 - 2023, tỉnh xuất khẩu cà phê đến 61 thị trường và vùng lãnh thổ. Nhật Bản và Italia là thị trường lớn nhất với kim ngạch lần lượt là 72,697 triệu USD và 39,045 triệu USD. Tổng cộng có 41 thị trường đạt kim ngạch trên 1 triệu USD, trong đó có 14 thị trường đạt trên 10 triệu USD.

Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk là đơn vị dẫn đầu trong 9 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê nhân trên địa bàn với 105.667 tấn, kim ngạch 226,975 triệu USD. Đối với cà phê hòa tan, Đắk Lắk xuất khẩu đến 20 thị trường, trong đó Indonesia và Thái Lan là 2 thị trường lớn nhất với kim ngạch lần lượt là 30,037 triệu USD và 10,581 triệu USD.

Riêng TP. Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, được Đảng, Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “Thành phố cà phê của thế giới” theo Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị.

Các quyết sách này được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị quyết số 103 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 67 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 72 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây là cơ hội và cũng là điều kiện thuận lợi mà Đảng, Nhà nước dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài ra, đây cũng là nền tảng cho sự phát triển thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn đến năm 2045. Đắk Lắk tin tưởng vào sự hỗ trợ và định hướng của Chính phủ, sự đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương, sự hợp tác các nhà đầu tư và toàn bộ cộng đồng để thực hiện tối đa những mục tiêu quan trọng này. Một điểm nổi bật trong chính sách phát triển TP. Buôn Ma Thuột là xây dựng Đề án phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái và khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.

Ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thành phố đang phấn đấu tạo ra một danh tiếng toàn cầu, là nơi thu hút không chỉ những người yêu cà phê mà còn là những tín đồ của văn hóa và du lịch bền vững, là những bước đi quan trọng trong hành trình phát triển "TP. Buôn Ma Thuột – điểm đến của cà phê thế giới". Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến Lễ hội cà phê "Buôn Ma Thuột - Lễ hội có quy mô cấp quốc gia", được tổ chức định kỳ 2 năm một lần để quảng bá, nâng tầm giá trị cà phê Việt Nam; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê.

Đây là dịp hội tụ văn hóa, thương mại và đầu tư, góp phần đưa thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vươn tầm quốc tế. Tận dụng cơ hội lớn và nguồn lực quan trọng từ các quyết sách của Đảng và Chính phủ, cùng với sức hút của Lễ hội cà phê, Buôn Ma Thuột đã và đang rộng mở cánh cửa để đưa cà phê Buôn Ma Thuột chinh phục thị trường quốc tế. Buôn Ma Thuột cần có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế để TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của khu vực Tây Nguyên.

"Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, TP. Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tăng cường đổi mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, tận dụng các tiềm năng, lợi thế, cơ hội để xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột - điểm đến của thế giới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi môi trường xanh, sạch, đẹp, hệ thống đô thị thông minh, hiện đại và bản sắc văn hóa độc đáo" - ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ.

Lê Sơn - Trường Minh

Theo: Báo Công Thương