Đại biểu Quốc hội: Cứ 10 doanh nghiệp gia nhập, có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

(Banker.vn) Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình cho biết, trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Doanh nghiệp rút khỏi các lĩnh vực nóng Hơn 93% doanh nghiệp phá sản có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng Thủ tướng Chính phủ: Không để doanh nghiệp phá sản và phải nỗ lực tăng trưởng ở mức cao

Doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn

Phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 1/11/2023 về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch năm 2024, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh cho biết, cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn, trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, vốn vay ngân hàng đến kỳ phải trả, việc hoàn thuế do dòng tiền về chậm khiến doanh nghiệp lao đao, sản xuất cầm chừng.

Cứ 10 doanh nghiệp gia nhập, có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Bên cạnh những khó khăn, thách thức về thị trường tiêu thụ, vốn, doanh nghiệp còn phải xử lý những bất cập trong nội tại của nền kinh tế, đó là thể chế, chính sách còn mâu thuẫn, điều kiện kinh doanh tồn tại nhiều rào cản, khó vượt.

Đặc biệt sự chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực thi chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp do một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn.

Đại biểu đoàn Trà Vinh nêu, trong 9 tháng năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhất là thời điểm cuối quý 1/2023, lần đầu tiên xảy ra tình cảnh số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường. Bình quân trong một tháng quý I có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi có gần 20.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, bình quân tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có số có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động.

Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên theo báo cáo của Chính phủ còn khá cao. Do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị, Chính phủ đánh giá sát tình hình, kịp thời, quan tâm có giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - đoàn Bình Định nêu thêm, trong số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều người lao động, người phụ thuộc như: Giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện…

Cứ 10 doanh nghiệp gia nhập, có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu cho biết, số doanh nghiệp đang tăng về cơ học, nhưng thị trường lao động chưa bền vững. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch, tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí; giảm khoản đóng góp như: Thuế, cho doanh nghiệp vay trả lương, hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà…

Nhiều doanh nghiệp khó đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn

Đại biểu Thạch Phước Bình nhận định trong thời gian tới, kinh tế thế giới biến động khó lường với triển vọng không mấy tươi sáng. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, dễ bị tổn thương từ các tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới. Mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh.

Để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ.

Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù, chính sách thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu; hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp; thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp, không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, đại biểu đề nghị Chính phủ cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn, trong đó điện là loại năng lượng quan trọng không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình thực tế trong nước của nền kinh tế, đại biểu đề nghị khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu, từ đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng và sự phục hồi của nền kinh tế.

Theo đại biểu, cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng hóa tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn khoanh nợ, tăng hỗ trợ an sinh xã hội, đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.

Về giải pháp kích cầu đầu tư, thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Cùng với đó, khẩn trương nâng cao năng lực của nhà đầu tư, nhà thi công xây lắp.

Để góp phần hoàn thiện về những giải pháp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - đoàn Nam Định cho rằng, cần quan tâm về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.

Theo đại biểu, các doanh nghiệp hiện vẫn còn phải đương đầu với những khó khăn trước mắt và cần phải có các biện pháp tháo gỡ. Nợ đọng vốn xây dựng cơ bản đối với doanh nghiệp xây dựng vẫn là vấn đề nổi cộm trong quản lý đầu tư công, chủ yếu nợ đọng từ ngân sách địa phương; bên cạnh đó là chậm hoàn thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính xuất phát từ các văn bản hướng dẫn; nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng…

Cứ 10 doanh nghiệp gia nhập, có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đề cập về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng thống nhất việc đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của chương trình đến hết năm 2024.

Đại biểu cho rằng, nếu giải ngân tốt các nội dung của Chương trình thì sẽ có tác dụng rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, hiện việc giải ngân vốn của Chương trình còn khá chậm, đến ngày 30/9 mới đạt 28,9% kế hoạch vốn được giao.

Đại biểu Trần Anh Tuấn - đoàn TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, các doanh nghiệp còn gặp lúng túng trong việc áp thuế, không biết các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình có trong diện được giảm thuế hay không. Để kích cầu nền kinh tế, đại biểu cho rằng nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng nhất định.

Theo đại biểu, chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đang phát huy hiệu quả, nhưng mới chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn. Vì vậy, cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn với những lĩnh vực ưu tiên này, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương