Cổ phiếu SRF bị hạn chế giao dịch, Searefico thêm phần ảm đạm

(Banker.vn) Searefico vừa nhận quyết định hạn chế giao dịch cổ phiếu SRF từ HOSE, doanh nghiệp cũng vừa trải qua quý đầu năm 2024 với kết quả kinh doanh kém khả quan.

Chuyển cổ phiếu SRF từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có thông báo về việc chuyển cổ phiếu SRF của Công ty CP Searefico từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 27/5. Theo đó, kể từ ngày 27/5, cổ phiếu SRF sẽ chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận.

Lý do bị hạn chế giao dịch là SRF chậm nộp báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định. Hiện SRF có gần 33,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành và 1,78 triệu cổ phiếu quỹ.

Cổ phiếu SRF bị hạn chế giao dịch, Searefico thêm phần ảm đạm

Trước đó, ngày 20/5, SRF đã công bố nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua lấy ý kiến bằng văn bản về việc đổi đơn vị kiểm toán. Theo đó, SRF đã được thông qua việc thay đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2023. ĐHĐCĐ giao cho HĐQT lựa chọn đơn vị kiểm toán mới, xác định phạm vi dịch vụ kiểm toán và chi phí kiểm toán.

Hồi cuối tháng 4, SRF cho biết do bất đồng quan điểm với đơn vị kiểm toán vẫn chưa được giải quyết nên công ty chưa thể nộp báo cáo tài chính kiểm toán đến HOSE và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đúng hạn.

Kéo theo đó là sự chậm trễ trong việc nộp báo cáo thường niên năm 2023. Để khắc phục vấn đề, SRF đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thay đổi đơn vị kiểm toán độc lập.

SRF thông tin ngay sau khi hoàn tất thủ tục lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, công ty sẽ nhanh chóng lựa chọn đơn vị kiểm toán và cho ra báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 cùng với việc hoàn thiện báo cáo thường niên năm 2023.

Về SRF, theo tìm hiểu, năm 1977, Công ty Xí nghiệp Cơ khí 3/2 được thành lập từ Xưởng cơ khí Phú Lâm với nhiệm vụ sản xuất nước đá, thiết bị, dụng cụ chế biến thủy sản xuất khẩu. Đến năm 1993, Xí nghiệp được đổi tên thành Công ty Kỹ nghệ lạnh (Searefico) - doanh nghiệp Nhà nước loại 1. Bộ Thủy sản ra quyết định sáp nhập Xí nghiệp Cơ Điện Lạnh Đà Nẵng (Searee) thuộc Công ty Thủy sản Miền trung (Seaprodex Danang) vào Công ty Kỹ nghệ Lạnh trực thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam vào năm 1996.

Khi cổ phần hóa vào năm 1999, Công ty CP Kỹ nghệ Lạnh ra đời với vốn điều lệ 12 tỷ đồng, tên giao dịch vẫn được giữ nguyên là Searefico. Sau nhiều lần phát hành cổ phiếu thưởng và tăng vốn, Searefico đã nâng vốn điều lệ lên gấp 30 lần ở mức 356 tỷ đồng. Năm 2009, hơn 8 triệu cổ phiếu SRF chào sàn HOSE với giá 30.000 đồng/cp và có lúc được giao dịch lên đến giá 130.000 đồng/cp. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại (phiên 22/5), cổ phiếu SRF vẫn đang "ngụp lặn" dưới mệnh giá với chỉ 9.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cũng tương đối hạn chế với chỉ vài nghìn đơn vị/phiên.

Cổ phiếu SRF bị hạn chế giao dịch, Searefico thêm phần ảm đạm
Cổ phiếu SRF vẫn đang "ngụp lặn" dưới mệnh giá

Quý đầu năm kém khả quan

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, Searefico ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 271 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 64,6% so với cùng kỳ khi chỉ đạt hơn 636 triệu đồng (cùng kỳ quý I/2023 lãi gần 1,8 tỷ đồng).

Lý giải về lợi nhuận sụt giảm, Công ty cho biết, tình hình kinh doanh của Công ty tiếp tục chịu sự ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp các dự án.

Trong kỳ phát sinh khoản điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng do quyết toán thuế các năm trước làm lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 64,6% trong khi lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp tương đương với cùng kỳ.

Về định hướng kinh doanh năm 2024, Searefico cho biết sẽ tập trung vào các dự án có doanh thu tốt, chủ đầu tư uy tín, các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, dự án thuộc phân khúc hẹp hoặc có hàm lượng công nghệ cao và có thời gian thực hiện nhanh để tối ưu dòng tiền, bảo vệ lợi nhuận.

Ngoài SRF, cổ phiếu AAT của Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa và cổ phiếu LEC của Công ty CP Bất động sản Điện lực Miền Trung cũng bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 27/5 vì các công ty này chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Cổ phiếu MBS đang được nâng đỡ nhờ "câu chuyện" nào?

Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu MBS đã có tới 8 phiên tăng điểm, thanh khoản cũng có sự cải thiện rõ ...

Một cổ phiếu dệt may "tím lịm" sau tin lãi triệu đô

Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt 51,7 triệu USD và lợi nhuận sau thuế đạt ...

Ngày mai, hai cổ phiếu QBS và POM sẽ giao dịch trở lại

Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE, hai mã cổ phiếu QBS và POM sẽ cùng giao dịch trở lại trên UPCoM ...

Lưu Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán