Chứng khoán phiên sáng 29/8: Lực bán ồ ạt, VN-Index trượt về sát mốc 1.250 điểm

(Banker.vn) Ngay những phút đầu phiên, cổ phiếu của hàng loạt các nhóm ngành giảm điểm mạnh kéo thị trường xuống khá sâu bất chấp nhóm cổ phiếu phân bón và hóa chất "ngược dòng" nâng đỡ chỉ số. Chưa dừng lại, áp lực bán tiếp tục dâng cao và diễn ra trên diện rộng khiến các mã lớn bé đồng loạt giảm sâu hơn, chỉ số VN-Index cắm đầu đi xuống, thậm chí có thời điểm thủng mốc 1.250 điểm.

Trong phiên giao dịch sáng nay, sắc đỏ bao phủ thị trường ngay khi mở cửa, các chỉ số chung đồng loạt lao dốc mạnh trước những ảnh hưởng từ các thông tin khá tiêu cực của thị trường quốc tế.

Hầu hết các nhóm ngành đều mất điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu cùng pha thị trường là nhóm chứng khoán đang giảm khá mạnh như CTS, VIX, VDS, ORS đều giảm hơn 5%; các mã BSI, AGR, HCM giảm hơn 4%; SSI và VND giảm hơn 3%...

Chỉ sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index bốc hơi hơn 30 và đang đe dọa mốc 1.260 điểm khi lực bán mạnh không ngừng gia tăng. Trên sàn HOSE lúc này, số mã giảm gấp tới hơn 10 lần số mã tăng, với khoảng chỉ 30 mã giữ được sắc xanh.

Tuy nhiên, vẫn có những nhóm ngành đi ngược xu hướng chung, đó là nhóm phân bón. Cụ thể như BFC tăng 3,3%, DPM và DCM tăng 2,5%, LAS cũng tăng hơn 2,8%. Bên cạnh đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu KPF tiếp tục phi nước đại, ghi nhận phiên tăng thứ 13 liên tiếp và có thời điểm chạm trần.

Điều tích cực diễn ra trong phiên sáng nay đó là áp lực bán chưa quá mạnh và lực cầu giá thấp có sẵn khiến tình trạng bán tháo chưa xảy ra. Diễn biến này cho phép kỳ vọng khi tác động tâm lý nhà đầu tư trở lên cân bằng hơn, thị trường sẽ có nhịp tăng điểm trở lại, lấp khoảng trống gap tạo ra từ đầu phiên trên đồ thị chỉ số.

Thị trường diễn biến tiêu cực hơn về cuối phiên sáng với sự lao dốc của tất cả các nhóm cổ phiếu. Nhóm VN30 không còn mã nào giữ được sắc xanh, trong đó MSN là cổ phiếu duy nhất đứng giá tham chiếu, 29 mã còn lại dừng trong sắc đỏ. Điển hình như SSI, POW, PDR, STB, TPB, GVR, PLX, HPG, VRE, HDB đồng loạt giảm mạnh, đánh mất trên 3% thị giá.

Mặc dù đà bán chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt, thị trường vẫn chưa rơi vào cảnh bán tháo khi chỉ có 21 mã giảm sàn. Theo quan sát, cổ phiếu ngân hàng là nhóm diễn biến tiêu cực nhất trên thị trường trong phiên sáng nay. Kết phiên sáng nay, ngoài SGB đứng yên, 26/27 mã còn lại đồng loạt giảm điểm.

Đà giảm cũng lan sang nhiều ngành kinh doanh khác như bất động sản, chứng khoán, xây dựng & vật liệu, bán lẻ,... Ngược dòng thị trường, các cổ phiếu phân bón đang thu hút dòng tiền khá tốt, với nhiều mã tăng điểm như DCM, DPM, BFC.

Tạm dừng phiên sáng, trên sàn HOSE chỉ còn 31 mã tăng và có tới 430 mã giảm (8 mã giảm sàn), VN-Index giảm 30,3 điểm (-2,36%) xuống 1.252,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 375,67 triệu đơn vị, giá trị 9.298,62 tỷ đồng, tăng 35,66% về khối lượng và 29,15% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 26/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,89 triệu đơn vị, giá trị 568 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường cũng lao dốc mạnh và chỉ số HNX-Index bốc hơi hơn 3%. Tạm dừng phiên sáng, sàn HNX có 35 mã tăng và 161 mã giảm, HNX-Index giảm 9,11 điểm (-3,04%) xuống mức thấp nhất phiên 299,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,7 triệu đơn vị, giá trị 991 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,6 triệu đơn vị, giá trị 27,41 tỷ đồng.

Tại thị trường UPCoM, thị trường cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi nới rộng đà giảm về cuối phiên. Tạm dừng phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,99 điểm (-2,15%) xuống 90,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,38 triệu đơn vị, giá trị 544,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,34 triệu đơn vị, giá trị 7,83 tỷ đồng.

Chứng khoán phiên sáng 29/8: Lực bán ồ ạt, VN-Index trượt về sát mốc 1.250 điểm

Tính đến 11h14, chỉ số VN-Index giảm 30,15 điểm (-2,35%) xuống 1.252,42 điểm; HNX-Index giảm 9,52 điểm (-3,18%) xuống 289,98 điểm; UPCoM-Index giảm 2,25 điểm (-2,42%) xuống 90,63 điểm.

Những phút tiếp theo, áp lực bán tiếp tục dâng cao và đẩy hàng loạt cổ phiếu lớn lao dốc. Bên cạnh đó, các mã thuộc nhóm khu công nghiệp và chứng khoán giảm sâu. BCM giảm 3,5%, HCM giảm 4%, VND giảm 3,1%, KBC giảm 5,3%, IDC giảm 4,3%,...

VPB gây áp lực điều chỉnh mạnh nhất cho chỉ số VN30 khi lấy đi hơn 2,5 điểm, theo sau là TCB với lực kéo hơn 2 điểm. Các mã khác như HPG, FPT, STB, VHM,… cũng đều kéo tuột chỉ số lần lượt hơn 1 điểm.

Nhóm ngành bất động sản thương mại, bất động sản khu công nghiệp và nhóm ngành xây dựng cùng chung diễn biến bi quan từ thị trường. KBC và ITA giảm hơn 6%, DXG, CEO và IJC giảm hơn 4%, CII, LCG, VCG, HUT cũng chịu chung mức giảm khá lớn…

Đáng chú ý, nhóm chứng khoán giảm mạnh nhất thị trường khi đồng loạt lao dốc. Trong đó VND, SSI, SHB giảm hơn 3%, HCM giảm 4%, VIX giảm trên 5%...

------------

Tính đến 9h30, VN-Index hiện giảm 15,43 điểm (-1,2%) xuống 1.267,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 86,6 triệu cổ phiếu, trị giá 2.067 tỷ đồng. HNX-Index giảm 4,28 điểm (-1,43%) xuống 295,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,7 triệu cổ phiếu, trị giá 391 tỷ đồng. UPCoM-Index giảm 1,01 điểm (-1,09%) xuống 91,87 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng trước những diễn biến xấu của thị trường chứng khoán thế giới, cùng với đó, hôm nay một lượng hàng lớn của hai phiên 24 và 25/8 cùng về tài khoản nhà đầu tư. Ngay từ đầu phiên giao dịch, sắc đỏ đã áp đảo ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu và điều này đẩy các chỉ số xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, các mã như GVR, BCM, HDB, MBB, PNJ... đều chìm trong sắc đỏ.

Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường tập trung vào nhóm phân bón và hóa chất, trong đó, DPM ngược dòng tăng 4,7%, BFC tăng 3,5%, DCM tăng 3,5%, LAS tăng 2,1%... Bên cạnh đó, sau ít phút giảm giá, các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí dần hồi phục, trong đó, PVC tăng 4,3%, PVD tăng 1,2%, PVS tăng 1,1%...

------------

Tuần qua, VN-Index có chuỗi 7 tuần tăng điểm liên tiếp dù mức tăng không quá lớn. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước đó. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt 17.974 tỷ đồng/phiên, giảm 1,4%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 2% và đạt 16.044 tỷ đồng. Điểm tích cực của thị trường trong tuần tuần giao dịch vừa qua là nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng trở lại sau chuỗi 5 tuần bán ròng liên tiếp. Trong khi đó, cả tổ chức trong nước lẫn khối ngoại đều giao dịch theo chiều hướng tiêu cực trở lại.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), với xu hướng dao động quanh ngưỡng 1.280 điểm, VN-Index đang thành lập các phiên tích lũy nhằm tiến tới kiểm tra ngưỡng 1.300 điểm vào tuần sau.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá thị trường vẫn duy trì tăng điểm nhưng sự thận trọng, áp lực bán ngắn hạn đang gia tăng mạnh hơn sau 7 tuần tăng điểm.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán