Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, Dow Jones mất 550 điểm

(Banker.vn) Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 31/3 đồng loạt giảm sâu, nhất là cổ phiếu ngân hàng, khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm có lúc tụt xuống dưới kỳ hạn 2 năm.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sụt 550 điểm, tương đương 1,56%, và đóng cửa ở 34.678 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng giảm tương ứng 1,57% và 1,54%. Thống kê bên trên cho thấy các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng kết phiên 31/3 trong sắc đỏ.

Theo CNBC, thị trường rơi mạnh trong khoảng một tiếng giao dịch cuối phiên và các chỉ số đều đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.

Phiên 31/3 là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 cũng như của quý I, vì vậy có thể thị trường lao dốc một phần là do các nhà quản lý đầu tư tổ chức điều chỉnh danh mục định kỳ.

Các chỉ số chính đều tăng điểm so với đầu tháng 3. Tuy nhiên nếu tính cả quý I, Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 4,6% và 4,9%. Nasdaq lao dốc mạnh nhất khi mất 9%.

Đây là quý đầu tiên các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ suy giảm trong hai năm qua, kể từ khi COVID-19 xuất hiện ở Mỹ. Các nhân tố tác động tiêu cực tới thị trường trong thời gian qua bao gồm việc Fed bắt đầu thắt chặt tiền tệ, lạm phát lên cao và cuộc xung đột Nga – Ukraine.

CNBC dẫn lời ông Erik Knutzen, Giám đốc chiến lược đầu tư đa tài sản tại Neuberger Berman nhận định: “Thị trường thời gian qua đã hồi phục khá tốt, một phần nhờ nhà đầu tư không còn quá lo ngại về cuộc xung đột ở Ukraine, kế hoạch của Fed tương đối rõ ràng và hành động mua vào có tính kỹ thuật do còn khá nhiều tiền ở ngoài thị trường”.

Ông nói thêm: “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sắp tới, nhà đầu tư sẽ có lúc nghĩ rằng: ‘Đợi đã, tăng trưởng đang chậm lại, lãi suất đang tăng và lạm phát vẫn cao’. Điều kiện cho thị trường cổ phiếu vẫn đầy thách thức”.

Tất cả 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều giảm điểm phiên 31/3, trong đó cổ phiếu tài chính ngân hàng là nhóm lao dốc mạnh nhất, như thể hiện trong thống kê dưới đây. JPMorgan Chase và Goldman Sachs mất lần lượt 3% và 1,6%, hai đại gia ngân hàng khác là Bank of America và Wells Fargo sụt tương ứng, 4,1% và 3,3%.

Đầu tuần này, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 5 năm vượt lên trên lợi suất kỳ hạn 30 năm, tạo nên hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược.

Phiên 31/3, một đoạn đường cong lợi suất khác lại đảo ngược khi lợi suất kỳ hạn 2 năm vượt lên lợi suất 10 năm. Biểu đồ bên dưới cho thấy: Đầu năm 2021, hai lợi suất này chênh lệch tới gần 1,6 điểm % nhưng khoảng cách liên tục thu hẹp trong một năm qua.

Các chuyên gia tài chính cho rằng việc lợi suất kỳ hạn ngắn cao hơn lợi suất kỳ hạn dài là dấu hiệu của suy thoái kinh tế và đoạn 2 năm -10 năm có ý nghĩa dự báo lớn nhất.

Các ngân hàng thường huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nên khi lợi suất kỳ hạn ngắn lên cao hơn lợi suất kỳ hạn dài, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị thiệt hại.

Giá dầu thô WTI của Mỹ sụt hơn 6% xuống còn khoảng 100 USD/thùng sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo kế hoạch xả 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong 6 tháng tới từ kho dự trữ chiến lược.

Tại Ukraine, quân đội Nga tiếp tục chiếm giữ các vị trí xung quanh Kiev và bắn phá vào thủ đô, theo tin tình báo của Anh. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ ngừng bán khí tự nhiên cho các quốc gia “không thân thiện” như châu Âu và Mỹ nếu các nước này không thanh toán bằng đồng rúp.

Khánh Vân

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán