Chủ tịch lâm thời VIPFA: Phát triển khu công nghiệp cần hội đủ yếu tố “chế - tài - tâm - tầm”

(Banker.vn) Để các KCN thực sự là “thỏi nam châm” hút vốn FDI, theo TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch lâm thời VIPFA cần tập trung vào 4 yếu tố, bao gồm: Chế - tài - tâm - tầm.
Khởi động KCN Việt Nam - Singapore đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long Khu công nghiệp ô nhiễm vì thiếu kinh phí trả tiền điện, hoá chất 200 đại biểu sẽ tham dự Đại hội lần thứ nhất VIPFA

Hiện nay, các khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng và là tâm điểm trong thu hút đầu tư. Để làm rõ hơn nhận định này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS Phan Hữu Thắng – Chủ tịch lâm thời Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam hiện nay?

Trong quá trình hình thành hệ thống luật pháp về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụm từ khu công nghiệp (KCN) được nêu ra lần đầu tiên trong định nghĩa “khu chế xuất” tại Luật số 6-L/CTN ngày 23/12/1992 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với định nghĩa cụ thể: Khu chế xuất (KCX) – là KCN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, bao gồm một hoặc nhiều xí nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, do Chính phủ quyết định thành lập.

TS Phan Hữu Thắng – Chủ tịch lâm thời VIPFA: Bàn về “Chế-Tài-Tâm-Tầm” trong phát triển KCN
TS Phan Hữu Thắng - Chủ tịch lâm thời VIPFA

Đến năm 1996, quy định cụ thể về KCN mới được luật hóa chính thức tại Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (Luật số 52-l/CTN, ngày 11/11/1996), với quy định cụ thể “là KCN sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dich vụ cho sản xuất công nghiệp, do Chính phủ thành lập hoặc cho phép thành lập”.

Đến Luật Đầu tư nước ngoài 2005 (Luật số 59/2005/QH11, ngày 29/12/2005) đã bổ sung định nghĩa loại hình hai khu mới: Khu công nghệ cao và Khu kinh tế. Và đến Luật Đầu tư 2014 (Luật số 67/2014/QH13) đã có quy định rõ hơn về khu kinh tế (KKT): Là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng an ninh.

Nhìn lại quá trình hoàn thiện xây dựng chính sách về các KCN nêu trên, cho thấy sự cẩn trọng trong quản lý nhà nước về KCN giai đoạn đầu mở cửa hội nhập kinh tế của Việt Nam với kinh tế khu vực và thế giới. Đó là không chỉ hướng đến số lượng các dự án đầu tư vào KCN, mà cả chất lượng, cũng như bảo vệ quốc phòng, an ninh. Đây là một định hướng phát triển KCN Việt Nam xuyên suốt trong nhiều năm tới đối với nhiệm vụ thu hút và sử dụng nguồn vốn nước ngoài.

Về thu hút đầu tư vào các KCN, tính đến cuối năm 2023, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cả nước đã có 416 KCN đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha và tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. trong đó có 4 khu chế xuất. Trong số 416 KCN được thành lập, có 296 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.

TS Phan Hữu Thắng – Chủ tịch lâm thời VIPFA: Bàn về “Chế-Tài-Tâm-Tầm” trong phát triển KCN
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 416 KCN đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha. Ảnh minh họa

Hiện các KCN, KKT chiếm khoảng 60-70% lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam và tỷ lệ này đang có chiều hướng tăng lên, ông nhận định ra sao về vấn đề này?

Thời gian vừa qua, hàng năm số lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN, KKT chiếm tới 60-70% lượng vốn FDI thu hút được trong cả nước. Tỷ lệ này vẫn đang có chiều hướng tăng lên, cho thấy KCN, KKT giữ một vai trò rất quan trọng về kinh tế đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, do phát triển trong một giai đoạn khá dài trên 32 năm (tính từ năm 1992 - năm đầu tiên Việt Nam có KCN NOMURA tại Hải Phòng), nên dù hệ thống KCN Việt Nam đã phát triển mạnh, có đóng góp rất tích cực, hiệu quả đối với nền kinh tế, nhưng đến nay vẫn còn một số tồn tại cần sớm được khắc phục.

Cụ thể, những tồn tại đó là: Tỷ lệ lấp đầy các KCN còn thấp, có đến 121/414 KCN vẫn đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, chưa tận dụng hết được một lượng vốn lớn về đất đai của nền kinh tế; kết cấu hạ tầng kỹ thuật của KCN đã được nâng cao nhưng chưa đủ các điều kiện cần thiết, hiện đại để cạnh tranh với các KCN trong khu vực và quốc tế; mô hình phát triển KCN còn theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với động lực phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng về đất, chưa xây dựng và phát triển được nhiều mô hình KCN mới (KCN công nghệ cao, KCN sinh thái…) để tận dụng được các yếu tố thuận lợi và đòi hỏi của các nhà đầu tư quốc tế về phát triển xanh, bảo vệ môi trường... đồng thời để đáp ứng được đòi hỏi của xu hướng phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.

Còn khá nhiều các tồn tại khác hiện nay trong phát triển, quản lý các KCN như quy hoạch phát triển các KCN tại một số địa phương chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút vốn đầu tư. Mô hình phát triển KCN còn chậm đổi mới… thiếu vắng các KCN sinh thái, KCN đô thị - dịch vụ… Do vậy, tuy Nhà nước đang tập trung giải quyết các bài toán về nhà ở cho người lao động trong các KCN và nhà ở xã hội nói chung, nhưng bài toán này vẫn chưa thể giải xong “một sớm một chiều”.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 NĐ-CP ngày 28/5/2022 Quy định về quản lý KKT, KCN với các định nghĩa rõ lại các KCN như: khu chế xuất, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN mở rộng… Và qui định hướng dẫn chi tiết việc hình thành, quản lý và phát triển các loại hình KCN. Nhưng phát triển các KCN xanh để loại bỏ chất thải và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường… thì vẫn còn nhiều khó khăn nhất định.

Bên cạnh đó, vẫn còn các qui định và định hướng phát triển các KCN được đưa ra, nhưng nằm rải rác trong rất nhiều văn bản pháp quy khác, trong các bộ luật liên quan (như đất đai, xây dựng, môi trường...). Lại cộng với thủ tục hành chính vẫn còn cần được hoàn thiện hơn nữa. Khắc phục được những hạn chế này mới có thể thúc đẩy nhanh việc phát triển các loại hình KCN có hiệu quả cao, theo đúng định hướng phát triển xanh và công nghệ cao đặt ra cho giai đoạn phát triển tới.

TS Phan Hữu Thắng – Chủ tịch lâm thời VIPFA: Bàn về “chế-tài-tâm-tầm” trong phát triển KCN
Thời gian qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN, KKT chiếm tới 60-70% lượng vốn FDI thu hút được trong cả nước (Ảnh minh họa)

Trước những tồn tại trên, để phát triển hoàn chỉnh các khu công nghiệp, cần tập trung vào những yếu tố nào, thưa ông?

Để khắc phục tồn tại và phát triển các KCN theo hướng hoàn chỉnh, hiện đại, đáp ứng xu hướng thế giới và yêu cầu của nhà đầu tư, theo tôi tất cả chỉ gói gọn trong 4 từ, đó là: "Chế - tài - tâm - tầm".

Trong đó, “chế” là cơ chế quản lý nhà nước, bao gồm cả định hướng phát triển, hệ thống luật pháp chính sách và các quy định về quản lý hành chính đối với các thủ tục hành chính cần thực hiện. “Tài”, là từ nguồn tài chính (nguồn tiền) cần có để đầu tư và kinh doanh. “Tâm” ở đây chính là tâm tốt, bên cạnh lợi ích của doanh nghiệp, của cá nhân… doanh nghiệp còn cần thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đối với người lao động, với trách nhiệm xã hội cao. Cuối cùng, “tầm” chính là tầm nhìn của người lãnh đạo doanh nghiệp khi đánh giá và bao quát, nhận diện được xu hướng phát triển chung và tìm ra được cách tiếp cận xử lý phù hợp, hiệu quả nhất.

Như vậy có thể nói, về cơ bản phát triển một KCN có thành công hay không phụ thuộc vào doanh nghiệp, doanh nhân – chủ đầu tư là chính. Vì trong cả 4 yếu tố cần có trên, về phía Nhà nước chỉ có 1 yêu cầu phải làm là gắn với từ "chế" - đó là hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển KCN. Một yêu cầu phải làm này lại rất quan trọng và có ý nghĩa “bà đỡ” cho sự phát triển của hệ thống KCN. Tiếp đó, 3 yếu tố còn lại đòi hỏi phải có là “Tài - tâm - tầm” đều ở phía doanh nghiệp và phụ thuộc vào tài năng của người đứng đầu doanh nghiệp.

Tất nhiên về tổng thể là như vậy, nhưng dưới tác động phát triển rất nhanh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các doanh nghiệp còn phải tự vươn lên để trở thành doanh nghiệp số. Khi chuyển đổi số không còn là tầm nhìn và mục tiêu dài hạn, mà đã trở thành một thực tế bắt buộc. Các doanh nghiệp phải có được kiến thức, phương tiện kỹ thuật để tham gia vào quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, mới phát triển được mà không bị tụt hậu.

Tóm lại, phát triển hệ thống KCN Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp, trên nguyên tắc tận dụng tối đa nguồn vốn bên ngoài hướng đến chất lượng đầu tư và bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương