BIDV tiếp tục hạ giá, rao bán lần thứ 3 khoản nợ có liên quan đến NEM

(Banker.vn) BIDV vừa ra thông báo rao bán lần thứ 3 khoản nợ của CTCP Kiến trúc và Xây dựng Archplus, với tài sản đảm bảo ngoài bất động sản còn có 3 triệu cổ phiếu thời trang NEM do ông Trương Việt Bình - người sáng lập thương hiệu thời trang này sở hữu.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) vừa thông báo đấu giá tài sản lần 3 đối với khoản nợ phát sinh từ đầu tư trái phiếu của Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus tại BIDV.

Tổng dư nợ tính đến ngày 15/4/2021 là 498 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 257 tỷ, nợ lãi là 173,8 tỷ và phí phạt quá hạn là 67,2 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, TP Hà Nội. Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 19/05/2005.

Ngoài ra, khoản nợ còn được đảm bảo bởi 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM; Bảo lãnh thanh toán của Công ty CP Thời trang NEM.

Giá khởi điểm của khoản nợ được đưa ra lần này là 403 tỷ đồng, giảm tới 95 tỷ so với lần rao bán cách đây 1 tháng.

Được biết, ông Trương Việt Bình là người sáng lập thời trang NEM. Ông Bình hiện đang là người đại diện theo pháp luật của cả 2 đơn vị là Công ty Kiến trúc và Xây dựng Archplus và Công ty Thời trang NEM, trong đó tại NEM, ông Bình kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc (dữ liệu đến cuối năm 2019).

Công ty Thời trang NEM tính đến cuối năm 2019 có vốn điều lệ là 400 tỷ đồng, tương ứng với 40 triệu cổ phần. Theo đó, 3 triệu cổ phần của NEM tương đương với 7,5% vốn của công ty thời trang này.

Trước đó, BIDV cũng ra thông báo đấu gia khoản nợ của Công ty TNHH Thanh Hùng tại Chi nhánh BIDV Vĩnh Long.

Cụ thể, giá khởi điểm của khoản nợ và cũng là toàn bộ gốc, lãi và phí của khoản nợ tính đến thời điểm 28/2/2021 là hơn 234 tỷ đồng.

Khoản nợ được đảm bảo bởi Nhà xưởng Huỳnh Mai và máy móc thiết bị chế biển thủy sản Huỳnh Mai, máy móc thiết bị nhà máy Thanh Hùng, công trình nhà máy Thanh Hùng và xe ô tô 7 chỗ hiệu Ford Everest.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tiếp tục rao bán hai khoản nợ trăm tỷ của Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Bách Giang, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Cao Nguyên.

Trong đó, tổng dư nợ với BIDV tạm tính đến ngày 6/5/2021 của Công ty Bách Giang là hơn 236 tỷ đồng, gồm 97,3 tỷ đồng dư nợ gốc và hơn 139 tỷ đồng dư nợ lãi. Về phía Công ty Cao Nguyên, tổng dư nợ tại BIDV là hơn 245 tỷ đồng, gồm hơn 100 tỷ đồng dư nợ gốc và hơn 144 tỷ đồng dư nợ lãi.

BIDV rao bán cả 2 khoản nợ trên với giá khởi điểm là 385 tỷ đồng, giảm gần 100 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên vào cuối tháng 3 vừa qua...

BIDV tiếp tục giữ vị trí quán quân về nợ xấu

Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2021 của 26 ngân hàng (c ó công bố thông tin nợ xấu), tổng số dư nợ xấu các ngân hàng đến thời điểm 31/3/2021 đã tăng 5,3% so với cuối năm trước lên gần 93.268 tỷ đồng.

BIDV tiếp tục giữ vị trí quán quân về nợ xấu với 21.765 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cuối năm trước, và bỏ xa ngân hàng đứng kế sau đó là VPBank - ngân hàng tư nhân có nhiều nợ xấu nhất, với 10.423 tỷ đồng (tăng 5%).

Bảng xếp hạng nợ xấu các ngân hàng tính đến cuối quý I/2021

Linh Đan (TH)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán